Đánh giá chi tiết Xperia XZs: mọi thứ đều tốt, nhưng vẫn trừ camera

Đánh giá chi tiết Xperia XZs: mọi thứ đều tốt, nhưng vẫn trừ camera

Tại MWC 2017, Sony đã giới thiệu chiếc Xperia XZs, đây không phải là một mẫu flagship cao cấp để cạnh tranh trực tiếp với Galaxy S8 hay iPhone 7 Plus, khi nó gần như tương tự người đàn anh Xperia XZ và chỉ được nâng cấp dung lượng RAM lên 4GB.
Tuy nhiên, điểm nổi bật của thiết bị này vượt trội qua mọi smartphone trên thị trường đó là sở hữu camera Motion eyes cho khả năng quay phim Slow Motion với tốc độ 960fps. Vậy tính năng này hoạt động như thế nào? Và những thành phần khác như cấu hình, tính năng của XZs có phải là một chiếc máy tốt trong tầm giá? Dưới đây là bài đánh giá chi tiết Sony Xperia XZs.
Ưu điểm
– Camera quay Slow Motion 960fps
– Chống nước IP68
– Màn hình đẹp
– Cấu hình ổn trong tầm giá
– Android 7.1.1 Nougat
Nhược điểm
– Thiết kế không có sự thay đổi so với người tiền nhiệm
– Camera chụp thiếu sáng kém, các phím tắt bố chí chưa hợp lý
– Độ phân giải màn hình vẫn chỉ là FullHD

Thông số kỹ thuật chi tiết của Sony Xperia XZs:

  • Màn hình LCD kích thước 5.2” với độ phân giải 1080x1920px, mật độ điểm ảnh 424ppi, công nghệ X-Reality cho di động, công nghệ Triluminos, kính cường lực Gorila Glass.
  • Hệ điều hành Android 7.1.1 Nougat tùy biến giao diện Xperia Launcher.
  • Vi xử lý Qualcomm Snapdragon 820, CPU lõi tứ Kryo (2×2.15GHz + 2×1.6GHz), GPU Adreno 530, 4GB RAM.
  • Camera Sony IMX400 19MP, ống kính khẩu độ f/2.0, lấy nét laser, cảm biến nhận dạng, tương phản AF, cảm biến cân bằng trắng, SteadyShot, đèn flash LED, phím cứng chụp hình chuyên dụng, và khả năng quay video 4K.
  • Camera trước độ phân giải 13MP với khả năng quay video 1080p@30fps.
  • Bộ nhớ trong 32GB/64GB, có khe cắm thẻ nhớ mở rộng.
  • Hai khay nano SIM, 1 khay đồng thời là thẻ nhớ.
  • Kết nối LTE Cat.9 (450/50Mbps); Wifi dual-band a/b/n/g/ac; GPS/GLONASS/Beidou, Bluetooth v4.2.
  • Chủ động khử tiếng ồn với một mic chuyên dụng, âm thanh chuẩn Hi-res 24-bit/192kHz.
  • Pin liền 2900mAh, hỗ trợ QuickCharge 3.0, tương thích sạc Qnovo, chế độ sạc thông minh Battery Care.
  • Tiêu chuẩn IP68 chống bụi và chống thấm nước.
  • Cảm biến vân tay, loa stereo, cổng USB Type-C, jack tai nghe 3.5mm.

THIẾT KẾ

Sony đã bê nguyên khung máy Xperia XZ lên XZs khi kích thước của 2 smartphone này giống nhau 100% – 146 x 72 x 8.1mm, dù nâng cấp camera nhưng Xperia XZs cũng không làm thay đổi trọng lượng so với người tiền nhiệm của nó là 161g.

Việc Sony không thay đổi thiết kế của Xperia XZs so với XZ cũng như những mẫu flagship nhiều năm trở lại đây cũng không gọi là một điều xấu.

Khi hãng đã dần dần làm cho chiếc máy của mình hoàn thiện và tinh tế hơn dù chỉ với một ngôn ngữ thiết kế.

Nhưng khi mang XZs ra so sánh với những flagship được ra mắt cùng thời điểm của LG, Samsung,… thì các đối thủ của Sony đều đã có những bước nhảy vọt trong thiết kế theo từng năm.

Kể cả việc LG đã gặp những thất bại khi mang thiết kế mô-đun lên G5, nhưng nó cũng mang lại sự mới mẻ, lạ lẫm và làm người dùng hào hứng, còn hãng điện tử Nhật Bản vẫn chọn cách an toàn với thiết kế của của Xperia Z đã có 4 năm tuổi đời.

Mặc dù không có điều gì mới lạ, đặc sắc nhưng vẫn có thể khẳng định rằng thiết kế của Xperia XZs là rất đẹp.

Được hoàn thiện nguyên khối cứng cáp, góc cạnh, mặt trước là kính cường lực Gorilla Glass, khung bằng nhựa polycacbonat, mặt sau hoàn thiện bằng hợp kim ALKALEIDO, ít để lại mồ hôi dấu vân tay trong quá trình sử dụng và cũng rất dễ để lau chùi.

Tuy nhiên, thiết kế này không chỉ phù hợp với nam giới mà các bạn nữ vẫn hoàn toàn có thể sở hữu cho mình một chiếc XZs phiên bản màu xanh ngọc đẹp mắt.

Với kích thước màn hình vừa phải là 5.2 inch nên mặc dù 4 góc hơi sắc nhưng cảm giác cầm nắm thiết bị vẫn rất thoải mái và không bị cấn khi sử dụng lâu.

Điểm phân biệt gần như duy nhất của Xperia XZ và XZs đó chính là mặt lưng, trên người kế nhiệm cụm camera chính được làm lớn hơn và lồi hẳn lên, đây cũng là điều phải đánh đổi khi XZs được trang bị camera Motion Eyes mới, mặc dù độ phân giải có thấp hơn là 19MP, so với 23MP trên Xperia XZ.

Mặt trước của XZs vẫn nổi bật với cụm loa stereo ở trên và dưới, với loa thoại được tích hợp luôn làm loa ngoài thứ 2, mang lại trải nghiệm âm thanh cực kì tốt trong giới smartphone hiện nay. Phía trên là cụm camera selfie độ phân giải 13MP, đèn LED thông báo.

Cạnh trái của máy là khay SIM và theo cảm nhận cá nhân của mình thì đây luôn là một điểm yếu trong thiết kế trên mọi thiết bị đến từ Sony, thực sự cảm giác đút vào, rút ra của nó không hề tốt một chút nào.

Do được làm dài nên mình luôn lo lắng về việc nó bị gãy, không nhưng thế thì mỗi lần rút khay sim ra hay đút vào máy đều bắt khởi động lại, làm mình khá khó chịu về điều này.

Ở thị trường Việt Nam Xperia XZs hỗ trợ 2 nano SIM hoặc 1 SIM – 1 thẻ nhớ, với phiên bản G8231 chúng ta chỉ có 1 tùy chọn duy nhất là 1 SIM – 1 thẻ nhớ.

Máy hỗ trợ chuẩn kết nối 4G LTE Cat 9  cho tốc độ download là 450Mbps và upload là 50Mbps, Xperia XZs không bắt được sóng FM.

Cạnh phải là phím nguồn, một lưu ý các bạn cần nhớ khi mua hàng xách tay đó là với chiếc Xperia XZs được bán tại Mỹ sẽ không được tích hợp cảm vân tay ở đây, còn với những thị trường khác trong đó cả Việt Nam đều được trang bị.

Cảm biến vân tay trên Xperia XZs hoạt động rất tốt, nhanh và chính xác, có điều đây vẫn chỉ là loại cảm biến phải mở sáng màn hình thì mới sử dụng được, chứ không phải là một chạm, có vẻ Sony đã khá lạc hậu về điều này khi rất nhiều các hãng đối thủ đều đã chuyển cảm biến vân tay mình về dạng 1 chạm.

Nút tăng giảm âm/lương có cảm giác bấm tốt, có điều đặt hơi thấp với các bạn mới sử dụng phải có thời gian làm quen nếu không rất dễ bấm nhầm, thấp hơn một chút là nút camera.

Bên dưới là cổng kết nối USB Type – C, khá đáng tiếc nó chỉ là chuẩn 2.0 đã cũ mà Sony vẫn chưa chịu nâng cấp, cạnh trên là jack cắm tai nghe 3.5mm và mic thu âm.

MÀN HÌNH

Vẫn như thông lệ mọi năm, Sony tiếp tục “kì thị” độ phân giải QuadHD và nhảy lên thẳng 4K trên chiếc Xperia XZ Premium, còn XZs của chúng ta vẫn chỉ là FullHD 1080p.

Tuy nhiên, với kích thước 5.2 inch thì mật độ điểm ảnh của máy vẫn đạt được 424ppi, rất sắc nét ở khoảng cách sử dụng thông thường. Chỉ có điều những bạn thích trải nghiệm công nghệ thực thế ảo thì đây rõ ràng là một hạn chế.

Với tấm nền IPS LCD và công nghệ X-Reality, màu sắc mà màn hình Xperia XZs mang lại không có điểm gì phải chê cả rất chính xác, trong chẻo, kết hợp với mặt kính cong 2.5D tạo hiệu ứng như hình ảnh đang nổi lên trên vậy, máy góc nhìn tốt, độ tương phản cao.

Có điều hơi bị ám xanh nhẹ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉ được theo mong muốn của mình vì Sony vẫn cung cấp chế độ tùy chỉnh cho người dùng.

Độ sáng tối đa của máy đạt 564 nits mang lại trải nghiệm khi sử dụng máy ngoài trời là rất tốt, mặt dù trời nắng gắt cũng không hề bị ảnh hưởng. Độ sáng tối thiểu chỉ là 4.9 nits đảm bảo cho việc các bạn sử dụng smartphone vào ban đêm không bị mỏi mắt.

THỜI LƯỢNG PIN

Sở hữu dung lượng pin là 2900mAh, tương tự như người tiền nhiệm Xperia XZ, nên thời lượng pin của XZs cũng không có sự khác biệt.

Đây không phải là một dung lượng pin lớn nên chỉ đủ cho chúng ta dùng trong vòng một ngày với nhu cầu sử dụng cơ bản.

Xperia XZs có thời gian onscreen liên tục khoảng 5 tiếng khi mình chủ yếu dùng wifi để xem phim, lướt web và sử dụng một chút 3G để lướt facebook.

Nếu bạn nào thường xuyên chơi game và mở 3G liên tục thì pin sẽ tụt nhanh đạt hơn 3 tiếng onscreen.

Giống với Xperia XZ, XZs được tích hợp Qnovo. Đây là một công nghệ giúp điện thoại theo dõi quá trình sử dụng pin theo thời gian thực, điều chỉnh các thông số kĩ thuật và các linh kiện của thiết bị như màn hình hay vi xử lý một cách phù hợp nhất để giảm thiểu việc pin bị tiêu hao không hợp lý, giúp kéo dài tuổi thọ pin.

Với Qnovo, thì Sony tự tin rằng pin trên thiết bị của mình sẽ có tuổi thọ cao hơn những viên pin smartphone khác tính theo chu kì thì có thể nhiều hơn vài trăm sạc.

Tính năng này hiện tại chỉ đang độc quyền trên các mẫu điện thoại thông minh mới của Sony và chưa hề xuất hiện ở bất kì một chiếc smartphone nào khác.

Cụ thể công nghệ này hoạt động như thế nào, mình sẽ lấy ví dụ cho các bạn. Giả sử chúng ta thường xuyên sạc điện thoại qua đêm, bắt đầu cắm sạc vào lúc nửa đêm và rút sạc vào khoảng 8h sáng.

Máy sẽ học hỏi thói quen này của người dùng, mỗi khi bạn bắt đầu cắm sạc, khi điện được nạp vào tầm 90% pin máy sẽ dừng sạc. Sau đấy khoảng 7h30 máy sẽ tiếp tục nạp pin cho đến lúc đầy 100% với một tốc độ sạc chậm hơn.

Đương nhiên Xperia XZs được trang bị công nghệ sạc nhanh Quick Charge 3.0 (và cả QC 2.0 nữa), với củ sạc đi kèm, máy có thể đạt 40% pin sau 30p sạc đây quả là một con số không hề tồi, nó không quá nhanh nhưng vẫn đủ cho bạn những lúc cần sử dụng.

Về phần mềm, Sony trang bị cho Xperia XZs hai chuẩn tiết kiệm pin là Stamia và Ultra Stamia. Với chế độ Stamia máy sẽ vô hiệu hóa những tính năng không cần thiết như GPS hay rung và giảm hiệu suất của máy.

Còn với Ultra Stamia đây là một tính năng tuyệt vời khi bạn không có bất cứ một nguồn điện nào để nạp cho máy trong một thời gian dài, khi kích hoạt tính năng này lên máy sẽ chuyển về chế độ cơ bản với những ứng dụng cần thiết như: tin nhắn, danh bạ, đông hồ và camera giúp bạn kéo dài thời lượng pin lâu nhất có thể (chỉ có thể kích hoạt tính năng này khi dung lượng pin còn tối thiểu 5%).

PHẦN MỀM

Ngay khi vừa mở hộp, Xperia XZs đã chạy sẵn Android 7.1.1 Nougat. Giao diện của các thiết bị Sony từ trước đến giờ vẫn không có quá nhiều thay đổi, đơn giản nhẹ nhàng và khá giống với thuần Android.

Tuy nhiên, nhờ được trang bị Android Nougat nên máy cũng có nhiều tính năng thông minh mà người dùng chúng ta đã mong đợi từ rất lâu trên các thiết bị của Sony như đa nhiệm chia đôi cửa sổ, tùy chỉnh kích thước thu phóng của màn hình giúp hiển thị được nhiều thông tin hơn.

Ngoài việc mở khóa bằng phím Home thì Smart Lock là một lựa chọn khác cho bạn khi chiếc Xperia XZs ở gần các thiết bị đáng tin cậy như các địa điểm, khuôn mặt, giọng nói đã được thiết lập trước đó thì máy sẽ bỏ qua bước nhập mật khẩu hoặc vân tay để mở khóa.

Màn hình homescreen cũng không có thay đổi gì so với các thiết bị khác thuộc dòng X-series. Các icon và cách sắp xếp không còn mấy lạ lẫm với những bạn đã từng sử dụng qua các smartphone của Sony, chúng ta cũng có rất nhiều bộ theme có sẵn (cả miễn phí và trả tiền) để sử dụng.

Khu vực thông báo gần như là bê nguyên xi của Android 7 Nougat với các thông báo được gộp lại khá gọn gàng, nó có 1 vài phím tắt cơ bản và thanh điều chỉnh độ sáng màn hình.

Nhưng có 1 nhược điểm đã xuất hiện rất lâu trên các thiết bị của Sony mà hãng này không hề khắc phục đó là không thể bật tắt nhanh độ sáng tự động được mà buộc phải vào tận phần cài đặt của máy.

Tính năng Smart Cleaner sẽ định kỳ xóa bộ nhớ cache của những ứng dụng mà đã lâu không sử dụng. Bạn có thể tắt nó đi hoặc cài đặt không tác động đến một số ứng dụng nhất định.

Sony có cả một giải pháp sao lưu dữ liệu của thiết bị độc quyền được cài đặt sẵn trên chiếc Xperia XZs này. Bạn có thể sao lưu các tin nhắn, danh bạ, nhật ký cuộc gọi, ứng dụng và các cài đặt điện thoại khác.

Các sao lưu này có thể tự lưu trữ dạng đám mây trong tài khoản trực tuyến của Sony hoặc sao lưu trực tiếp trên thẻ microSD hay một thiết bị ngoại vi nào đó. Chế độ tự động sao lưu có thể được hẹn giờ, trong những điều kiện đặc biệt như “Kết nối với Wifi” hay “Sạc thiết bị”.

HIỆU NĂNG

Tương tự như người đàn anh Xperia XZ, XZs sở hữu con chip Snapdragon 820 với xung nhịp tương tự không có sự khác biệt, điểm nâng cấp duy nhất về cấu hình của thiết bị so với người đàn anh đó là dung lượng RAM đã lên 4GB.

Con chip Snapdragon 820 đã không còn là vi xử lý tốt nhất thời điểm hiện tại của Qualcomm, với sự xóa ngôi của Snapdragon 821 và 835. Có điều nó vẫn hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng từ cơ bản đến nâng cao, trong mọi các vụ.

Việc trang bị Snapdragon 820 mang đến cho máy một giá thành phải chăng, nên rõ ràng điều này là hợp lý và rất đáng để đánh đối.

Về hiệu năng, của con chip Snapdragon 820 với 4 nhân Kryo trong đó là 2×2.15GHz và 2×2.16GHz, GPU Adreno 530, 4GB RAM thì chắc hẳn các bạn đã biết quá rõ rồi, dưới đây là điểm số chấm được của Xperia XZs bằng các phần mềm đo hiệu năng.

Chiếc Xperia XZ được ra mắt năm ngoái với 3GB RAM, đây không phải là một dung lượng cao nhưng vẫn nhờ giao diện nhẹ nhàng của Sony nên máy đa nhiệm rất tốt. Năm nay việc nâng cấp lên 4GB thì việc quản lý đa nhiệm của XZs không phải bàn cãi, bạn sẽ chẳng lo phải load lại game/app trong quá trình sử dụng hàng ngày.

CAMERA

Với cụm camera trên Xperia XZs, Sony đã có một bước cải tiến lớn về máy ảnh trên các mẫu điện thoại của hãng nói riêng và cả thế giới smartphone nói chung.

Loại bỏ cảm biến cũ kĩ 23MP trên rất nhiều đời smartphone trước đó của mình thay bằng một cụm camera mới toanh với độ phân giải 19MP và cảm biến mới này họ gọi là Motion Eyes.

Có rất nhiều sự thay đổi bên trong camera này, thay vì thiết kế 2 lớp thông thường, một bộ nhớ RAM được tạo ra nằm giữa cảm biến ảnh và các lớp mạch điều khiển. Điều này giúp cho camera có thể lưu ảnh hoặc video tạm thời, thay vì phải chờ chipset và RAM chính của máy xử lý và lưu ảnh.

Điểm nổi bật của Motion Eyes đó chính là khả năng quy phim Slow Motion với tốc độ khung hình lên đến 960fps ở độ phân giải HD 720p, nhiều gấp 4 lần các flagship đang có mặt trên thị trường, tốc độ thông thường của những smartphone đầu bảng hiện nay là 240fps.

Sony đã giảm độ phân giải của bộ cảm biến ảnh mới IMX400 Exmor RS (các mẫu trước đó là 23MP), nhưng vẫn giữ kích thước vật lý, vì vậy các điểm ảnh sẽ lớn hơn 19%. Điều này theo ý thuyết sẽ giúp cải thiện chất lượng ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng.

Khẩu độ là thứ không thay đổi của cụm camera này so với thế hệ trước đó là f/2.0. Vẫn chưa phải là thông số lớn nhất trong thời điểm hiện tại nhưng như vậy cũng đã đủ dùng.

Với bộ nhớ đệm, cho phép một tính năng mới được hoạt động đó là Predictive Capture. Khi camera phát hiện một chuyển động có nhịp độ nhanh, nó sẽ ghi lại một vài khoảnh khắc trước khi bạn nhấn nút chụp.

Vì vậy, nếu bỏ lỡ một khoảnh khắc nào đó, bạn có thể sử dụng một trong những hình ảnh trước đó mà máy ảnh ghi lại. Những bức ảnh sử dụng tính năng Predictive Capture sẽ có kí hiệu bằng 4 ô vuông nhỏ trong thư viện ảnh.

Tuy nhiên, trong quá trình trải nghiệm thực tế thì tính năng này lại hoạt động không đạt như mong đợi, vì nó là tự động hoàn toàn không thể can thiệp do người dùng nên đôi lúc Predictive Capture hoạt động không chính xác, đôi khi cần thì máy lại chả kích hoạt tính năng này.

Xperia XZs sở hữu giao diện camera mới nhất của Sony và tương tự với những mẫu smartphone ra mắt trong năm 2016 của hãng này.

Ở chế độ Manual, chúng ta đã có thể tùy chỉnh tốc độ màn trập (1/4000s – 1s), bù trừ sáng (EV), cân bằng trắng (WB) và lấy nét bằng tay (AF).

Tuy nhiên, muốn thay đổi ISO thì vẫn phải vào tận trong phần cài đặt rất rắc rối và bất tiện, mình không hiểu sao Sony vẫn chưa chịu đem ISO tích hợp thẳng vào chế độ chỉnh tay.

Thêm một điểm đáng khen ở phần mềm trên camera của Xperia XZs đó chính là khả năng nhận diện bối cảnh chụp rất tốt ở chế độ tự động, nó dễ dàng nhận ra rất chính xác với khung cảnh này chế độ gì là phù hợp ví dụ như “Món ăn ngon”, “Cận cảnh”, “Thiếu sáng”,… giúp người chụp có những bức ảnh tốt nhất.

Với một chiếc máy ở phân khúc cận cáo cấp thì điều kiện ảnh sáng đầy đủ chắc chắn không thể làm khó thiết bị của chúng ta, chất lượng ảnh mà Xperia XZs mang lại tương tự như XZ gần như không có bất kì sự khác biệt nào.

Tốc độ lấy nét nhanh, màu sắc cho ra trung thực, cân bằng ánh trắng tốt. Ở chế độ Auto chúng ta hoàn toàn không thể bật/tắt HDR, máy sẽ tự động làm điều này trong những điều kiện đặc biệt như thiếu sáng hoặc ngược sáng.

Còn nếu muốn bật/tắt HDR thì phải chuyển qua chế độ Manual nhưng lại một lần nữa Sony dấu phím tắt này trong phần cài đặt rất bất tiện.

Khả năng chụp ngược sáng của Xperia XZs khá tốt, mặc dù nắng gắt nhưng vẫn nhìn thấy đầy đủ mọi chi tiết ảnh. Tuy nhiên, giữa chế độ HDR và không HDR gần như không có sự khác biệt.

Da người được Xperia XZs tái tạo lại rất tốt, hồng hào trắng trẹo và tự nhiên, đây luôn là một điểm cộng lớn của các máy Sony

Khi chụp ban đêm nơi ít ánh sáng thì camera của Xperia XZs khá kém, chi tiết không quá tốt vẫn suất hiện noise.

Nếu sử dụng chế độ chỉnh tay thì bạn có thể tăng thời gian phơi sáng lên, bên cạnh đó là nên giảm ISO theo cùng tỉ lệ sẽ cho ra một bức ảnh tốt hơn, nếu muốn phơi sáng khoảng 1s thì bạn nên dùng tripod.

Camera trên smartphone của Sony trước giờ vẫn vậy chế độ Auto chưa bao giờ là thế mạnh của nó.

Khả năng xử lý đèn đường của XZs làm mình không ứng ý, nước ảnh cho ra bị noise nặng mất chi tiết

Flash của máy hoạt động tốt, ánh sáng cho ra đều và màu xanh dịu nhẹ.

Chất lượng camera selfie của Xperia XZs cũng không có điểm gì để chê, màu sắc da người được thể hiện một cách trung thực và chính xác.

Khả năng quay phim 960fps của Xperia XZs thì không phải bàn cãi về “độ chất” rồi, tuy nhiên việc làm chủ tính năng này không phải là điều đơn giản, bạn phải mất một thời gian để làm quen với nó. Camera sẽ ghi lại một đoạn video tốc độ là 960fps, với thời gian thực của nó chỉ là 0.18s và không phải cứ bấm nút ghi hình là nó có thể quay Slow Motion ngay được mà phải mất 1 khoảng thời gian từ 2 -3s. Vì thế nếu muốn có một đoạn phim Slow Motion thật sự đẹp thì bạn cần phải làm đi làm lại vài lần đấy.

Một điểm yếu nữa bạn cần phải lưu ý đó là phải rất hạn chế việc sử dụng tính năng quay 960fps trong điều kiện thiếu sáng hoặc trong môi trường có ánh sáng nhân tạo, lúc này video sẽ rất dễ bị noise, nhiễu hạt và đặc biệt là việc xuất các đường kẻ sọc chạy liên tục trên màn hình làm ảnh hướng rất lớn đến chất lượng của video. Môi trường thuận lợi nhất để sử dụng tính năng này đó là ngoài trời với ánh sáng tự nhiên.

TỔNG KẾT

Với mức giá chính hãng tại thị trường Việt Nam hiện nay là khoảng 14 triệu đồng, thì Xperia XZs có những đối thủ như Galaxy S7, HTC U Ultra, LG V20. Tuy nhiên thiết bị của Sony vẫn nổi bật lên một chiếc máy tốt, sở hữu thiết kế đẹp mắt, khả năng chống nước thời thượng, cấu hình ổn,

camera tốt nhiều tính năng thú vị. Rõ ràng đây là một sự lựa chọn hợp lý không chỉ dành cho các bạn SonyFan nói chung mà là bất kì ai đang có nhu cầu sắm smartphone trong thời điểm hiện tại.

Ủng hộ bài viết chúng tôi

Xếp hạng trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Chưa có ai đánh giá

62

No Responses

Write a response