Đánh giá chi tiết Oppo F1s: Siêu phẩm selfie phân khúc tầm trung

Đánh giá chi tiết Oppo F1s: Siêu phẩm selfie phân khúc tầm trung

Oppo hiện tại đang dần trở thành cái tên đắt giá nhất Trung Quốc đặc biệt khi ông lớn Xiaomi đang dần trở nên đuối sức và hụt hơi trong cuộc đua cam go trên thị trường di động cạnh tranh gay gắt.
Nhờ vào việc đánh mạnh vào marketing thu hút, lôi kéo sự ủng hộ của người dùng cùng việc định hướng khách hàng khéo léo và hợp lý, các sản phẩm từ Oppo đã và đang xây dựng được vị trí vững chắc trong lòng người dùng, đặc biệt là dòng F.
Ưu điểm
– Thiết kế nguyên khối với màu Rose Gold sang trọng.
– Camera selfie độ phân giải lớn 16MP cho hình ảnh chi tiết cao.
– Cấu hình tốt với 3GB RAM.
– Thời lượng pin tốt.
– Cảm biến vân tay cho tốc độ nhận diện rất nhanh.
Nhược điểm
– Vi xử lý chưa thực sự mạnh mẽ.
– Chất lượng hiển thị không quá xuất sắc.
– Cảm giác trên tay có phần trơn trượt, thiếu thoải mái.

Oppo F1 Plus thực chất không phải phiên bản kế nhiệm của Oppo F1.

Khác với nhiều người lầm tưởng, Oppo F1 Plus thực chất không phải là sản phẩm kế nhiệm Oppo F1 mặc dù cả hai cùng đánh mạnh vào phân khúc người dùng yêu thích selfie. Ở thị trường Trung Quốc, F1 Plus thực chất chính là Oppo R9.

Và mới đây, model kế nhiệm thực sự của F1 đã chính thức lộ diện với tên gọi Oppo F1s, mang đầy đủ những đặc điểm đã tạo nên dấu ấn cho Oppo F1 như thiết kế đẹp, cấu hình tốt và đặc biệt là camera selfie được đặc biệt nhấn mạnh.

Cấu hình chi tiết của Oppo F1s:

  • Màn hình: 5.5 inch HD, 267 ppi, màn hình được làm cong 2.5D.
  • Vi xử lý: Mediatek MT6750 8 nhân 1.5GHz.
  • RAM: 3GB.
  • Camera trước/sau: 16MP/13MP.
  • Pin: 3075mAh.
  • Hệ điều hành: Android 5.1 Lollipop, ColorOS V3.0.0i.
  • Bộ nhớ trong: 32GB, hỗ trợ thẻ nhớ gắn ngoài.
  • Hỗ trợ 2 SIM, kết nối LTE.

THIẾT KẾ

Oppo F1s mang thiết kế kim loại nguyên khối, về tổng thể, máy khá mỏng và nhẹ với độ mỏng 7.4mm, nặng 160g. Tuy vậy, máy vẫn nặng hơn một chút khi so sánh với F1 tiền nhiệm hay cả người anh em F1 Plus.

Điều này một phần là do Oppo đã nâng dung lượng pin của F1s lên thành 3075 mAh (F1 chỉ sở hữu viên pin dung lượng 2500 mAh). Do đó, xét ra thì cũng khá hợp lý khi đánh đổi một chút về thiết kế để có được thời lượng sử dụng là tốt hơn.

Ngoài ra, về thiết kế tổng thể, F1s nhìn chung thừa hưởng khá nhiều từ F1 Plus, dễ thấy nhất là ở hoàn thiện kim loại của máy.

Nhìn sơ qua từ mặt trước, người dùng có lẽ khá khó để phân biệt F1s và F1 Plus. Thay vì sử dụng tấm nền AMOLED như trên F1 Plus, F1s quay trở về sử dụng panel LCD truyền thống, và tất nhiên, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến cạnh viền benzel của máy.

Trên F1 Plus, viền màn hình chỉ vào khoảng 1.66mm, F1s không sở hữu con số ấn tượng đến thế nhưng phần nào vẫn hoàn thiện tốt hơn khi so với F1.

Tin vui cho người dùng là F1s được bảo vệ bởi màn hình Gorilla Glass 4 hoàn toàn mới, hứa hẹn cải thiện khả năng chống chịu lại các va chạm vật lý.

Giống như F1 Plus, Oppo vẫn duy trì cảm biến vân tay tích hợp nút Home trên F1s. Cảm biến này cho tốc độ đọc ghi là rất nhanh và chính xác. Bấm vào phím Home gần như sẽ đưa chúng ta vào màn hình chủ ngay lập tức, một điểm cộng rất đáng kể.

Oppo cũng loại bỏ hoàn toàn những hiệu ứng chuyển cảnh rườm rà khi mở khoá máy, kết hợp với cảm biến vân tay siêu nhạy giúp tiết kiệm thời gian cũng như đem lại cảm giác nhanh và mượt mà cho máy. ĐIểm trừ duy nhất có lẽ chỉ là đây không phải cảm biến vân tay loại một chạm (cũng không quá vấn đề).

Mặt lưng của F1s được hoàn thiện hoàn toàn bằng kim loại, ngoại trừ 2 dải viền anten làm từ nhựa. Tuy nhiên, máy không đem lại cảm giác bám tay đồng thời khá trơn trượt nếu bạn không sử dụng máy kèm ốp lưng. Cạnh trên của máy không có gì ngoài một mic phụ chống ồn.

Cạnh dưới là nới đặt jack cắm tai nghe 3.5mm, mic đàm thoại chính, cổng MicroUSB cùng loa ngoài được thiết kế đối xứng nhưng thực chất chỉ có một bên là phát ra âm thanh.

Cạnh trái là nơi đặt cụm phím tăng giảm âm lượng, được đặt ở vị trí khá dễ thao tác khi cầm máy trên tay, tuy vậy nếu đặt trên bàn thì lại khá khó để bấm đúng những phím này do thiết kế hơi uốn vào bên trong của mặt lưng máy.

Cạnh phải chứa phím nguồn với vị trí đặt khá hợp lý, dễ dàng cho chúng ta với tới bằng ngón trỏ hoặc ngón cái. Đáng chú ý nhất là F1s hỗ trợ cho chúng ta cả 2 SIM và 1 thẻ nhớ riêng biệt, đem lại sự tiện dụng cao trong quá trình sử dụng.

MÀN HÌNH

Trong thời buổi màn hình 5 inch đang dần trở thành tiêu chuẩn như hiện nay, 5.5 inch dường như lại là kích thước được người dùng ưa chuộng hơn cả khi vừa giữ được độ tiện dụng vốn có, vừa đem lại không gian trải nghiệm, sử dụng là đã hơn.

Oppo có lẽ đã đem một trong những yếu tố khiến F1 Plus trở nên thành công xuống với F1s, tuy vậy, để giữ một mức giá hợp lý F1s đã bị cắt giảm khá nhiều về mặt chất lượng hiển thị.

F1s quay trở về sử dụng tấm nền LCD truyền thống với độ phân giải chỉ đạt 720p. Tất nhiên, từ góc nhìn sử dụng bình thường, máy vẫn khá sắc nét và không quá rỗ trừ khi bạn dí sát mắt vào màn hình.

Tuy vậy, độ sắc nét lại bị giảm đi đáng kể và hoàn toàn có thể nhận ra bằng mắt thường. Đây cũng là điểm trừ lớn nhất của Oppo F1s.

Với độ sáng tối đa vào khoảng 420 nit, khả năng hiển thị ngoài ánh năng trực tiếp của F1s không quá xuất sắc. Bù lại, nền đen lại thể hiện khá sâu, phù hợp với các thao tác xem phim, giải trí hình ảnh.

Nhìn chung, màn hình không phải là một điểm mạnh trên Oppo F1s, nếu bạn không quá quan trọng về độ phân giải màn hình, F1s vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng hàng ngày của các bạn.

THỜi LƯỢNG PIN

Dung lượng pin chính là điểm nâng cấp rõ ràng nhất của F1s khi so sánh với Oppo F1 tiền nhiệm. Oppo F1s được trang bị viên pin 3075 mAh, cao hơn khá nhiều khi so sánh với F1 (2500 mAh) hay thậm chí là F1 Plus (2850 mAh).

Thêm vào đó, với việc chỉ được trang bị một tấm nền HD, xét về mặt thời lượng sử dụng, đây có lẽ lại là điểm cộng của Oppo F1s.

Với bài test thử nghiệm pin tổng thể của GSMArena, F1s đạt được kết quả khá ấn tượng với 75 giờ sử dụng hỗn hợp qua các bài test đàm thoại 3G, lướt web và xem video.

Do đó, F1s hoàn toàn có thể đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng cơ bản của các bạn trong ít nhất là một ngày. Nếu chỉ nghe gọi, lướt web cơ bản, hai ngày sử dụng là hoàn toàn có thể. Đáng tiếc là F1s lại không được trang bị chuẩn sạc nhanh VOOC tiên tiến của Oppo.

PHẦN MỀM

Oppo F1s được chạy sẵn trên nền ColorOS 3.0 hoàn toàn mới được Oppo tuỳ biến lại dựa theo Android 5.1 Lollipop. Tuy vậy, người dùng sẽ khó nhận ra hơi hướng của nền tảng Android trên F1s do Oppo đã tuỳ biến rất sâu về cả giao diện lẫn tính năng, đem lại cho người dùng cảm giác đang sử dụng hệ điều hành iOS từ Apple vậy.

Điểm đặc trưng duy nhất còn xót lại của Android là những dịch vụ cũng như các app của Google được cài sẵn. Giao diện sử dụng mang hơi hướng phẳng, nhẹ nhàng và đầy màu sắc.

Điểm cộng của giao diện ColorOS mới trên F1s là đem lại cho người dùng cảm giác thoải mái và thích thú khi sử dụng.

Trong đó, ấn tượng đầu tiên mà giao diện ColorOS 3.0 mang đến cho chúng ta chính là ở giao diện màn hình khoá vô cùng độc đáo khi có khả năng tự thay đổi hình nền liên tục mỗi lần người dùng mở khoá.

Với kho hình nền phong phú đồng thời cho phép người dùng tuỳ biến theo list yêu thích, đây là một điểm cộng vô cùng lớn đối với những ai đề cao sự thay đổi và không muốn bị bó buộc cũng như nhàm chán trong quá trình sử dụng.

Việc trang bị nút home đi kèm cảm biến vân tay gần như đã trở thành tính năng không thể thiếu trên các thiết bị smartphone ngày nay.

Đáng tiếc là chúng ta vẫn phải mở sáng màn hình trước khi muốn mở khoá máy do đây không phải là cảm biến dạng một chạm. Oppo cũng trang bị thêm cho F1s tính năng gán vân tay riêng cho từng ngón để mở các app theo ý thích của người dùng, rất hữu ích.

Chuyển qua màn hình chủ của F1s, đây có thể nói là điểm làm người dùng vừa bối rối vừa quen thuộc khi giao diện sử dụng của F1s quá giống iOS của Apple.

Oppo đã hoàn toàn loại bỏ App Drawer trên F1s và thay vào đó là giao diện các ứng dụng tràn đầy ra màn hình chủ. Người dùng vẫn có các lựa chọn gộp app vào thư mục hay thêm vào các widget phụ trợ.

Một điểm cộng đáng giá nữa là Oppo có một kho theme vô cùng phong phú, cho phép người dùng tuỳ biến rất sâu vào giao diện sử dụng và sẽ không bị nhàm chán như trên các smartphone từ các hãng đối thủ.

Vuốt từ trên xuống sẽ là khu vực của thanh thông báo trạng thái được thiết kế với tông nền đen chủ đạo cùng background được blur ở phía sau, khá ấn tượng.

Thanh trạng thái trên F1s được chia ra làm 2 tab với 1 tab hiển thị thông báo đồng thời cho phép người dùng tuỳ biến cũng như chặn notification từ những ứng dụng không mong muốn. Tab còn lại tất nhiên là khu vực cho các tuỳ chỉnh cài đặt nhanh.

Giao diện trong mục Setting lại là một điểm trừ khi có phần rối rắm và thiếu sự sắp xếp làm người dùng gặp khó khăn nếu muốn tìm một mục cài đặt riêng biệt.

Và vẫn giữ truyền thống như trên các thiết bị Oppo khác, F1s cung cấp rất nhiều những thao tác vuốt chạm thông minh cho người dùng có thể kể đến như vẽ chữ để mở ứng dụng, chụp ảnh screenshot, bật chế độ sử dụng một tay hay lật úp điện thoại để tắt chuông.

Người dùng cũng hoàn toàn có thể tuỳ biến hay tự mình tạo ra những gesture thông minh mới mà theo Oppo cho biết, các cử chỉ thông minh trên F1s có thể được tuỳ biến một cách vô hạn dựa theo trí tưởng tượng phong phú của người dùng.

Về mặt giao diện sử dụng, không thể chối cãi rằng OPPO đã vay mượn quá nhiều ý tưởng giao diện của iOS 9 lên trên ColorOS 3.0 của mình. Tuy nhiên, theo hướng tích cực mà nói, điều này cũng rất tốt cho những người mới sử dụng smartphone vì ai cũng biết rằng iOS rất trực quan, đơn giản và tốn ít thời gian để làm quen.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại rõ ràng điều này đã làm ít nhiều ảnh hưởng đến tiếng tăm của một công ty lớn như OPPO, khi liên tục bị dư luận cho rằng hãng này đã sao chép không những thiết kế mà cả giao diện sử dụng của hãng khác.

HIỆU NĂNG

Khác với Oppo F1 tiền nhiệm được trang bị con chip tầm trung Snapdragon 616 từ Qualcomm, Oppo quyết định chuyển sang sử dụng Meditak trên Oppo F1s, cụ thể ở đây là Mediatek MT6750. Về hiệu năng tổng thể, nhìn chung F1s không có quá nhiều khác biệt khi so sánh với F1 tiền nhiệm. Thêm vào đó, với lượng RAM lên đến 3GB cùng màn hình chỉ dừng lại ở HD 720p cũng phần nào giúp tốc độ cũng như độ thực thi, khả năng đa nhiệm của máy phần nào mượt mà hơn.

Tuy vậy, điểm benchmark hiệu năng của Oppo F1s lại không thật sự ấn tượng do con chip MT6750 có hiệu năng chỉ đạt mức trung bình. Với phần mềm Antutu benchmark hiệu năng tổng thể, F1s đạt con số trung bình khoảg 30657, thậm chí còn thấp hơn cả Oppo F1 tiền nhiệm.

Với Geekbench so sánh chuyên biệt về tốc độ vi xử lý, ở bài test đơn nhân, Oppo F1s đạt 706 điểm còn với bài test đa nhân là 2967. Nhìn chung, hiệu năng của con chip MT6750 chỉ đạt mức đủ dùng, đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng phổ thông hàng ngày. Còn đối với những ai đang tìm kiếm một thiết bị hiệu năng cao, một khả năng thực thi nhanh với các game, ứng dụng nặng, F1s có lẽ không phải là thiết bị mà bạn đang tìm kiếm.

Điều tương tự với sức mạnh GPU đồ hoạ khi Oppo F1s chỉ đạt 240 điểm với phần mềm 3DMark chuyên đánh giá hiệu suất xử lý đồ hoạ 3D. Rõ ràng rằng, đây không phải là một sản phẩm đánh mạnh vào cấu hình, Oppo F1s có lẽ hướng đến người dùng yêu thích thiết kế, selfie, đặc biệt là các bạn nữ.

CAMERA

Camera có lẽ là một trong những điểm sáng được Oppo đặc biệt nhấn mạnh khi dòng F luôn mang slogan “Selfie Expert- Chuyên gia Selfie”. Và đúng như tên gọi, F1s sở hữu camera trước lên đến 16MP thậm chí còn cao hơn camera sau với độ phân giải 13MP. Điểm thú vị là camera sau mang độ mở ống kính f/2.2, nhỏ hơn camera trước với f/2.0 cho thấy hướng đi rõ ràng của Oppo với dòng F1s.

Giao diện chụp ảnh trên Oppo F1s chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng với nền tảng iOS trên iPhone đồng thời không có quá nhiều khác biệt khi so sánh với các thiết bị Oppo khác. Lấy sự đơn giản hoá làm chủ đạo, trượt sang phải hay sang trái trong màn hình chụp ảnh sẽ giúp người dùng chuyển sang các tuỳ chọn như quay phim, Timelapse, Panorama hay chế độ làm đẹp Beauty. Ở phía trên sẽ là vị trí của các phím cài đặt nhanh như Flash, HDR, chuyển đổi camera trước sau. Người dùng có thêm các tuỳ chọn chụp ảnh bằng giọng nói hoặc vẫy tay để chụp hình selfie.

Đặc biệt trên Oppo F1s cũng có sự xuất hiện của Expert Mode, chế độ chỉnh tay chuyên nghiệp khi cho phép người dùng can thiệp sâu vào các thông số camera như White Balance, tăng giảm EV, ISO cũng như điều chỉnh giá trị phơi sáng từ 1s đến tối đa là 16s. Ngoài ra, với những ai quan trọng khâu hậu kì thì khả năng lưu giữ ảnh RAW cùng lựa chọn ảnh UltraHD với 51MP là một điểm cộng rất lớn.

Nhìn chung, chất lượng ảnh ra từ F1s là khá tốt khi cho ra những tấm hình với độ chi tiết chấp nhận được nhưng đáng buồn là không thể so sánh được với người anh em Oppo F1 Plus. Mặc dù xét trên lý thuyết, phần cứng camera của F1s và F1 Plus là gần như tương đồng. Khác biệt dễ thấy nhất là độ sắc nét ở viền ảnh của F1s khá kém, tone ảnh trên F1s cũng có phần hơi nhạt, không được đậm màu nịnh mắt. Các bạn có thể nhìn thấy rõ điểm này thông qua bức hình mình chụp ở trên. Nhìn chung trong điều kiện đầy đủ sáng, camera bắt nét nhanh, chi tiết tốt, nhưng không quá nổi bật.

Ngoài ra, khả năng chụp Auto của F1s cũng là điều khiến người dùng băn khoăn khi hệ thống đo sáng của máy làm việc không được ổn định. Cùng một khung cảnh khi chụp ở chế độ Auto có thể cho chúng ta hai bức hình nhìn hoàn toàn khác hẳn nhau về mặt ánh sáng. Do đó, nếu các bạn có thể làm chụp được chế độ Expert thì sẽ đem lại được những bức hình với chất lượng tốt hơn.

Bù lại, HDR trên F1s làm việc rất tốt, chi tiết vùng tốt được cứu sáng lại, tổng thể bức ảnh khi chụp với HDR cho chi tiết cũng như ánh sáng tốt hơn đặc biệt với những tấm hình chụp ngược sáng.

Trong điều kiện thiếu sáng, với khẩu độ mở lớn, ảnh từ Oppo F1s thu sáng tốt nhưng phần mềm xử lý lại chưa ngon. Ảnh cho ra có chi tiết kém, nhiều noise và có phần khá bệt. Bù lại với những bức hình chụp tối có nguồn sáng chiếu vào vật thể, chất lượng ảnh sẽ được cải thiện đáng kể.

Camera trước còn ghi điểm khi được OPPO trang bị độ phân giải lớn lên đến 16MP. Khẩu độ của camera trước thậm chí còn lớn hơn camera sau với f/2.0 hứa hẹn một khả năng selfie trong điều kiện thiếu sáng là rất tốt. Chế độ làm đẹp Beauty Mode cũng sẽ giúp bạn làm mịn da, xoá mụn. Thêm vào đó, đô phân giải cao cũng góp phần đem lại những bức hình selfie với chi tiết tốt.Tựa chung lại, không hổ danh với danh hiệu “Chuyên gia Selfie”, F1s hoàn thành xuất sắc công việc giúp người dùng “phá đảo thế giới ảo”. Một số bức ảnh khác mình chụp từ camera của Oppo F1s:

TỔNG KẾT

Oppo F1s có thể coi là một phiên bản giá rẻ của Oppo F1 Plus với một số cắt giảm về màn hình, cấu hình nhằm đem đến một thiết bị với mức giá hợp lý hơn. Tuy  vậy, những đặc điểm nổi bật như thiết kế nguyên khối kim loại, camera chụp selfie ấn tượng, cảm biến vân tay siêu nhanh thì vẫn được Oppo duy trì trên F1s.

Nhìn chung, F1s hướng tới phân khúc người dùng thích chụp selfie, đặc biệt là các bạn nữ, không quá đặt nặng về cấu hình, hiệu năng xử lý, đặc biệt khi F1s sở hữu ngoại hình bắt mắt, thời thượng. Tuy nhiên nếu các bạn đang tìm kiếm một smartphone để chơi game nặng, cấu hình mạnh mẽ, F1s chắc chắn không phải dành cho bạn.

Ủng hộ bài viết chúng tôi

Xếp hạng trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Chưa có ai đánh giá

66

No Responses

Write a response