Ưu điểm
•Cấu hình tốt, hiệu năng cao
•Camera bắt nét nhanh ngay cả trong điều kiện thiếu sáng
Nhược điểm
•Khả năng chống rung khi quay video còn hạn chế
Hôm nay mình sẽ gửi đến các bạn vài đánh giá chi tiết chiếc LG G3 cùng với hệ điều hành Android 6.0 Mashmallow trên chiếc điện thoại này. Trước tiên chúng ta hãy cùng nhìn tổng quan về các thông số của chiếc điện thoại này:
- Màn hình IPS kích thước 5,5-inch độ phân giải 2K
- Vi xử lí Quad-core 2.5 GHz Krait 400, GPU Adreno 330
- Chip Snapdragon 801
- RAM 3GB
- Camera chính 13MP, camera trước 2.1MP
- Pin 3000mAh
- Kích thước 146.3 x 7406 x 8.95mm
- 1. Thiết kế
Vào thời điểm trước khi LG trình làng chiếc G3 đã có khá nhiều những tin đồn nói rằng LG sẽ mang đến cho người dùng một chiếc G3 sang trọng được thiết kế từ kim loại. Nhưng đến ngày ra mắt thì LG vẫn chỉ mang đến một chiếc điện thoại vỏ nhựa. Tuy nhiên lớp vỏ nhựa này được làm giả kim loại khá độc đáo, đem lại cho chúng ta một chiếc điện thoại sang trọng, chống bám vân tay và chống xước tốt hơn, không thua kém chất liệu kim loại là mấy. Có thể nói LG đã hoàn thiện lớp vỏ giả kim loại này khá tốt, bạn sẽ thấy được điều này khi đặt chiếc LG L3 bên cạnh chiếc HTC One M8, nhìn thì thấy chúng gần như tương đồng nhau nhưng thực tế One M8 được làm từ kim loại.
G3 được thiết kế mặt sau cong đều cả hai bên, cùng với thiết kế từ nhựa nhẹ cho chúng ta cảm giác cầm rất thoải mái và chắc chắn. Vào thời điểm ra mắt, G3 là chiếc điện thoại có màn hình 5,5-inch cho cảm giác cầm tốt nhất. Mặt lưng của máy có thể tháo rời để thay thế pin, sim và thẻ nhớ rất thuận tiện. Ở mặt sau này, chúng ta sẽ nhận thấy phong cách thiết kế đặc trưng của LG với cụm phím nguồn và tăng giảm âm lượng đặt thành một hàng dọc, bên trên là camera. Phím tăng giảm âm lượng được làm hơi lõm xuống và phím nguồn ở giữa hơi nhô lên để tạo ra sự đặc trưng, khác biệt với camera của máy, dễ thao tác hơn. Hai bên của cụm phím có đèn Flash LED kép và đèn laser. Hình dáng và kích thước của hai đèn này giống nhau và được đặt đối xứng nhau qua phím nguồn. Thiết kế này tạo cho chúng ta cảm giác cân đối, thẩm mỹ hơn.
Bên cạnh điểm nhấn về cảm giác cầm máy tốt, G3 còn có viền màn hình đã được làm mỏng hết sức có thể. Cùng với thiết kế giả kim loại, nhìn qua chúng ta sẽ có cảm nhận viền này chỉ là một đường chỉ kim loại rất tinh tế. Điều này đã giúp cho LG tối ưu được không gian để giành cho màn hình với hơn 76% diện tích mặt trước, đây là một con số rất ấn tượng vào thời điểm năm 2014. Phía cạnh dưới của mặt trước chúng ta sẽ thấy logo của LG là tâm của những đường tròn đồng tâm tạo ra những hiệu ứng khá thú vị khi chúng ta sử dụng máy ngoài trời.
Cuối cùng về thiết kế, mình xin chia sẻ với các bạn cảm nhận của mình sau một thời gian sử dụng. Do chất liệu nhựa nên sau một thời gian viền của máy sẽ có hiện tượng sờn màu một chút hoặc bong lớp giả kim loại. Ngoài ra máy còn bị nứt ở cảm biến hồng ngoại và mic thoại. Mình có tham gia một số Group FB thì thấy đây là hiện tượng chung thường gặp trên G3 sau khi sử dụng.
- 2. Màn hình và loa
LG G3 sở hữu màn hình kích thước 5,5-inch độ phân giải 2k. Với độ phân giải này cùng với mật độ điểm ảnh 538ppi, màn hình của máy hiển thị hình ảnh rất sắc nét. Bạn có thể nhận thấy điều này khi nhìn kĩ vào các viền của biểu tượng trên màn hình và so sánh với một chiếc điện thoại FullHD khác. Ngoài ra bạn còn có thể cảm nhận dược điều này thông qua các game, ứng dụng có đồ họa cao, sự khác biệt sẽ hiện ra rõ rệt. Cùng với khả năng tối ưu không gian màn hình (chiếm tới hơn 76% kích thước mặt trước) sẽ đem lại cho bạn cảm giác tuyệt vời khi sử dụng. Màn hình của máy hiển thị các màu sắc rất chân thực và trong, góc nhìn rất tốt, mình nhấn mạnh ở đây là rất tốt.
Bạn sẽ nhận thấy điều đó khi xem ảnh trên máy hay vào mục cài đặt, bạn sẽ thấy được màu trắng rất trong và tự nhiên. Với độ sáng khá cao lên tới 420nits, LG G3 cho phép sử dụng ngoài trời mà không hề hấn gì, máy vẫn đem lại cho bạn những trải nhiệm thú vị không thua kém trong nhà là mấy.
Loa của máy được đặt ở mặt sau bên dưới, do đó sẽ có bị ảnh hưởng đôi chút khi các bạn đặt máy xuống bàn. Nếu mà so với những chiếc điện thoại khác thì loa của G3 có kích thước gấp đôi, cùng với đó là công suất lớn lên tới 1W. Tuy nhiên chất lượng âm thanh của nó thì không được tốt cho lắm. Âm thanh của loa cho chất âm chưa được trong trẻo và hơi ồn tạp âm. Âm bass của loa còn yếu và không nổi.
- 3. Phần mềm
Chiếc G3 này của mình hiện đang chạy Android 6.0 Mashmallow. Và đây cũng là điều mà mình quan tâm nhất cũng như muốn chia sẻ với các bạn nhất. Sau khi lên Android 6.0 mình đã khá là thất vọng vì LG mang đến khá là ít những cái mới đến cho G3. Qua tìm hiểu thì mình cũng được biết rằng các sản phẩm khác của LG như G4 hay V10, LG cũng mang đến khá ít những cái mới. Về dao diện, ở phiên bản Android 6.0 này, dao diện của máy gần như là tương đồng với dao diện trên Android 5.0.
Thay đổi lớn nhất sau khi lên 6.0 đó là khả năng tối ưu hóa, các tính năng tiết kiệm pin mạnh hơn, bảo mật hơn. Điểm Antutu mà mình chấm được rơi vào khoảng 55k, lớn hơn khá nhiều so với con số khoảng 42k trước đây. Với điểm số chênh lệch như vậy sẽ đem lại cho chúng ta khả năng tối ưu hóa, đồ họa 3D, khả năng quản lí RAM tốt hơn. Theo cảm nhận của mình thì máy đã cải thiện rõ rệt, đem lại trải nghiệm tốt hơn ở phiên bản 5.0 khá nhiều. Các bạn có thể tham khảo thông qua video của kênh Reviewdao.
Tiếp theo là về khả năng tiết kiệm pin. Một điểm mới mà trên Android 5.0 không có đó là tính năng tối ưu việc chạy trò chơi. Với tính năng này máy sẽ tự động điều chỉnh chất lượng video khi các bạn chơi game để tiết kiệm pin hơn.
Điểm nhấn cuối cùng của Android 6.0 trên G3 là khả năng bảo mật thông tin. Như trên Android 5.0, khi bạn vào cài đặt ứng dụng, máy sẽ hiển thị tất cả các ứng dụng có trên máy, kể cả ứng dụng hệ thống thì ở phiên bản này, mặc định máy sẽ chỉ hiển thị các ứng dụng của bạn mà không hiển thị các ứng dụng hệ thống nữa. Nếu bạn muốn chúng hiển thị thì có thể tùy chọn và hiển thị chúng lên.
Chưa hết, ở phiên bản này, bạn có thể phân quyền cho ứng dụng được phép truy cập vào những thông tin nào, điều mà trên 5.0 không có. Bạn sẽ vào cài đặt ứng dụng và bật tắt những thông tin mà bạn cho phép hay không cho phép ứng dụng truy cập vào. Tính năng này sẽ giúp máy bảo mật thông tin tốt hơn và hoạt động ổn định hơn. Ở đây còn thống kê cho bạn thêm một số thông tin của ứng dụng như dung lượng dữ liệu, dung lượng pin sử dụng mà mình cho là khá hay.
Ngoài ra còn có một tính năng mới về camera, mình sẽ nói ở phần camera.
- 4. Hiệu năng
LG G3 sở hữu vi xử lí Quad-core 2.5 GHz Krait 400, GPU Adreno 330, chip Snapdragon 801 cùng với dung lượng RAM 3GB cho bạn có thể thoải mái trải nghiệm game, ứng dụng. Như mình đã nói ở trên, sau khi lên Android 6.0, điểm số Antutu đã được cải thiện rõ rệt từ 42K lên 55K. Mình đã sử dụng và thấy máy chạy ổn định, chơi game mượt mà kể cả những game có đồ họa phức tạp hay những tác vụ nặng.
Mình sẽ dẫn chứng bằng game Alphast 8 cho các bạn dễ hình dung. Trước đây, khi máy chạy Android 5.0, máy sẽ có hiện tượng giật khi mình ấn phím Home trong lúc đang chơi hay có giật vài chỗ trong một vòng đua, nhưng sau khi lên Android 6.0, lỗi này đã được khắc phục hoàn toàn, thậm chí máy còn chạy mượt mà hơn, tốc độ load game cũng như load map trong game nhanh hơn trên Android 5.0 khoảng 4 giây. Về khả năng đa nhiệm, mình đã test với máy ảnh, thư viện, Evenote, từ điển Tflat, Temple Run 2, Subway Surf, Alphast 8, cài đặt thì máy không hề phải load lại bất kì game hay ứng dụng nào.
Trong khi bạn chơi game hay lướt web thì máy có nhiệt lượng cũng khá là nóng nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Nhiệt độ các cảm biến mà mình đo được bằng CPU-z trung bình khoảng 65 độ C.
- 5. Camera
G3 được trang bị camera trước độ phân giải 13MP và camera trước 2.1MP. Điều đặc biệt là G3 được trang bị công nghệ lấy nét laser, cho phép bắt nét nhanh hơn và tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng. Mình xin lưu ý với các bạn rằng đèn laser này có công suất thấp nên chỉ hoạt động tốt với những vật thể ở gần. Ngoài ra máy cũng chỉ sử dụng công nghệ này trong điều kiện thiếu sáng, trong điều kiện đủ sáng, máy vẫn sử dụng cách thức lất nét thông thường. Mặc dù vậy, mình vẫn đánh giá tốc độ bắt nét của LG G3 trong điều kiện đủ sáng là khá nhanh, nhanh hơn những chiếc điện thoại cùng thời.
Giao diện camera của G3 khá là đơn giản với một vài tính năng cơ bản, dễ dàng sử dụng. Điểm nhấn mình muốn nới với các bạn ở đây là tính năng Slow motion mới xuất hiện trên G3 chạy Android 6.0. Với tính năng này bạn sẽ có thể sáng tạo hơn cũng như nâng cao khả năng trải nghiệm với chiếc G3 của mình.
Chất lượng ảnh là điều mà mình khá là thất vọng ở chiếc điện thoại này. Khi chụp trong điều kiện đủ sáng, máy chụp ảnh cho chất lượng tốt, chân thật. Nhưng với những vật có độ tương phản lớn một chút thì máy chụp cho chi tiết ảnh kém hẳn đi. Khi chụp ngòai trời sáng thì gần như ảnh tối, chất lượng thấp.
Ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng
Trong điều kiện thiếu sáng, chất lượng ảnh kém đi rõ rệt, các chi tiết bị nhiễu nhiều. Trong điều kiện này, bạn có thể bật đèn Flash để chụp, Flash của G3 cho màu sắc chân thực nhưng có cường độ hơi yếu, có lẽ là để phù hợp với camera, nên đèn flash cũng chỉ là trường hợp vớt vát chứ không thể giúp bạn có được một bức ảnh ổn.
Ảnh trong điều kiện thiếu sáng
Camera trước có kích thước điểm ảnh lớn giúp thu được nhiều sáng hơn, giúp ảnh chụp được có độ sáng cao hơn những cảm biến có độ phân giải tương tự. Ngoài ra còn có tính năng làm đẹp và chụp thông minh. Tuy nhiên có lẽ do độ phân giải thấp nên ảnh chụp cho màu sắc nhợt nhạt, chi tiết ảnh vỡ nhiều khi ánh sáng kém một chút, đặc biệt khi tăng tính năng làm đẹp. Với tính năng chụp thông minh, bạn sẽ chụp ảnh bằng cách xòe bàn tay ra và nắm lại, rất tiện lợi.
Ảnh chụp bằng camera trước với tính năng làm đẹp
Về tính năng quay phim, camera trên G3 cho phép quay phim chất lượng 4K, tuy nhiên máy lại chống rung kém, nên video quay được bị rung khá nhiều, âm thanh video to, rõ ràng. Các bạn có thể tham khảo một vài đoạn video mà mình quay bằng chiếc G3 ban đêm tại đây.
- 6. Pin
G3 sở hữu viên pin có dung lượng 30000mAh có thể thay thế dễ dàng, không có công nghệ sạc nhanh. Nhìn chung đây là một mức pin khá lớn và hợp lí, hiện tại đang là xu hướng mà các hãng sản xuất điện thoại hướng đến. Vào thời điểm ra mắt LG có nhắc đến công nghệ 3A (Adaptive Frame Rate) của pin giúp tối ưu hóa pin cũng như hiệu năng của máy, tuy nhiên sau khi sử dụng thì mình vẫn không nhận thấy tính năng này thể hiện, pin của máy vẫn tụt khá nhanh khi chơi game.
Thời gian On Screen liên tục vào khoảng gần 4 tiếng và xem phim liên tục khoảng gần 8 tiếng. Sau khi sử dụng mình nhận thấy rằng càng về sau pin G3 tụt càng nhanh. Mình xem một bộ phim có đeo tai nghe, độ sáng màn hình khoảng 80% dài 1 tiếng rưỡi mà máy chỉ tụt từ 100% xuống còn 91%, nhưng xem phim liên tục lại chỉ được gần 8 tiếng. Nhiệt độ pin mà mình đo được qua CPU-z khi máy hoạt động nặng khá ổn, khoảng 43 độ C.
- 7. Kết luận
LG G3 là chiếc điện thoại đáng để lựa chọn trong phân khúc khoảng 5 triệu đồng với màn hình 2K đem lại trải nghiệm xem phim, chơi game tốt, cấu hình đủ mạnh, hiệu năng đủ cao để chiến gần như tất cả game. Thời lượng pin sử dụng tốt, ổn định. Camera cho phép quay phim 4k, công nghệ lấy nét laser lấy nét nhanh.Tuy nhiên chất lượng chưa thực sự tốt với độ phân giải 13MP.
Các bạn thấy hữu ích hãy like và shere với bạn bè. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết
Trần Xuân Hùng
Ngày sinh: 28/02/****
Email: xuanhung2****@gmail.com
Link FB: https://www.facebook.com/hung.tranxu*****
SĐT: 0981245****