An toàn thực phẩm trong thời điểm bão, lũ lụt: Những khuyến cáo người dân không nên bỏ qua để tránh rước bệnh

An toàn thực phẩm trong thời điểm bão, lũ lụt: Những khuyến cáo người dân không nên bỏ qua để tránh rước bệnh

Mua, tích trữ thực phẩm sao cho đúng, dùng thực phẩm thế nào để tránh rước bệnh khi xung quanh còn bão, lũ lụt… An toàn thực phẩm trong thời điểm hiện tại chắc chắn là điều bạn không nên bỏ qua.

Cơn bão Yagi đổ bộ đã cướp đi nhiều sinh mạng và làm thiệt hại không ít tài sản của người dân miền Bắc nước ta. Sau bão là lũ quét, lụt lội, nhiều người dân tiếp tục phải sống trong cảnh thiếu đồ ăn thức uống, bị cô lập vì chưa được cứu hộ. Nhiều gia đình vì lo lắng quá mà cũng đã kịp tích trữ nhiều đồ ăn.

Trước tình hình này, an toàn thực phẩm là điều chúng ta cần cẩn trọng. Mua, tích trữ thực phẩm sao cho đúng, dùng thực phẩm thế nào tránh rước bệnh khi xung quanh còn bão, lũ lụt… Các chuyên gia chia sẻ để an toàn, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh đường tiêu hóa, bệnh đường ruột, rối loạn tiêu hóa trong những ngày này, người dân cần lưu ý một số điểm quan trọng.

1. Không trữ quá nhiều thực phẩm

Nghe tin thời tiết mưa bão kéo dài, ắt hẳn nhiều người sẽ có tâm lý muốn tích trữ nhiều đồ ăn thức uống trong nhà. Thực tế tại Hà Nội những ngày qua cho thấy, nhiều người dân mua tích trữ đồ ăn từ các chợ cóc, siêu thị khiến giá cả leo thang chóng mặt, các sạp hàng thường xuyên hết hàng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), việc mua quá nhiều thực phẩm tích trữ dễ khiến thực phẩm bị ôi hỏng trước khi có thể sử dụng nếu không bảo quản đúng cách. Nếu ăn đồ ôi, ươn vào cơ thể thì nguy cơ mắc bệnh, ngộ độc thực phẩm tăng cao.

Do đó, lời khuyên cho mọi người là cần mua đúng thực phẩm có thể bảo quản lâu dài, cầm cự trong những ngày bão lũ.

Ví dụ với lương thực, nên chọn các loại thực phẩm đóng gói sẵn như mì gói, gạo, các loại hạt, đồ hộp… có thời hạn sử dụng dài, dễ bảo quản và không cần chế biến cầu kỳ. Chọn các sản phẩm có bao bì còn nguyên vẹn, không bị móp méo, hạn sử dụng còn xa.

An toàn thực phẩm trong thời điểm bão, lũ lụt

Nhiều người tích trữ quá đà thực phẩm, khiến hàng hóa khan hiếm, đắt đỏ. 

Với rau củ, nên chọn những loại có vỏ cứng, ít nước như khoai tây, củ cải, cà rốt, hành tây. Trước khi cất tủ lạnh nên rửa sạch, để ráo nước, cho vào túi nilon hoặc hộp kín.

Với trái cây, nên mua các loại quả cứng, ít bị dập nát như táo, lê, chuối xanh. Những quả chín quá, có vết thâm thì không mua.

Với thịt, nên sơ chế sạch, chia nhỏ thành các phần, cho vào túi zip hoặc hộp kín ở ngăn đông dùng dần.

Người dân nên hạn chế mua các loại thủy hải sản vì dễ ươn, hỏng trong nhiệt độ, độ ẩm cao. Sữa tươi và các sản phẩm từ sữa cũng cần chú ý vì hạn sử dụng ngắn, dễ nhiễm khuẩn.

Mặc dù vậy, chuyên gia nhấn mạnh dù là mua thực phẩm gì cũng không nên tích trữ quá nhiều. Không chỉ lãng phí nếu bị hỏng, không dùng được, mà còn rất khó bảo quản trong điều kiện thời tiết hiện nay.

2. Dùng thực phẩm hút chân không cần đảm bảo an toàn thực phẩm

Hiện nay, nhiều gia đình tin rằng chỉ cần thực phẩm được hút chân không là yên tâm để được lâu dài. Đây cũng là cách được nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân làm đối với các phần thực phẩm chuyển đến cứu hộ đồng bào nhiều tỉnh bị lũ lụt.

Tuy nhiên, thực hiện biện pháp hút chân không thực phẩm cũng cần hết sức chú ý. Dùng thực phẩm hút chân không trong thời gian ngắn ngày hiện nay phù hợp với những người đang cần cứu trợ. Còn nếu dùng như vậy triền miên ngày này qua tháng khác thì mọi người cần phải xem xét lại.

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia, đồ ăn nấu chín sau khi được bảo quản bằng phương pháp hút chân không, ở điều kiện bình thường có thể bảo quản được 5-10 ngày. Khi cất trong tủ lạnh có thể bảo quản được đến 15-20 ngày.

Tuy nhiên, trong tình hình thời tiết bão, lũ lụt với nhiệt độ và độ ẩm cao, thời gian bảo quản bằng phương pháp hút chân không sẽ bị rút ngắn hơn.

Do đó, người dân tuyệt đối không nên có suy nghĩ dùng đồ hút chân không là yên tâm tích trữ đồ ăn trong nhà đến bao giờ cũng được. Phương pháp hút chân không để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm hiện rất hữu hiệu nhưng không nên lạm dụng, nhất là trong tình hình mưa bão, lũ lụt.

3. Không sử dụng gia súc, gia cầm đã chết để làm thức ăn

Lũ lụt khắp miền Bắc khiến hơn 2.500 gia súc, hơn 1,5 triệu gia cầm chết (tập trung ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên), tính đến 7h ngày 12/9.

Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo đến các địa phương phía Bắc, đang ảnh hưởng của bão lũ, ngập lụt, về tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

Bộ Y tế khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như lương khô, mì gói, nước uống đóng chai… Trường hợp nguồn cấp nước như giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng, phải lọc và khử trùng nước trước khi sử dụng.

Đối với khu vực bị ngập lụt, sạt lở chia cắt, địa phương cần có phương án bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống an toàn cho dân và giám sát bệnh tại cộng đồng. Trường hợp rối loạn tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý ngay, hạn chế ảnh hưởng sức khỏe.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm do những tổ chức, cá nhân hỗ trợ vùng lũ lụt, tránh sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng…

Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0975 730 849

Website: https://atvstp.org.vn

Nguồn: https://cafef.vn/an-toan-thuc-pham-trong-thoi-diem-bao-lu-lut-nhung-khuyen-cao-nguoi-dan-khong-nen-bo-qua-de-tranh-ruoc-benh-188240912160231581.chn

Ủng hộ bài viết chúng tôi

Xếp hạng trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Chưa có ai đánh giá

100

No Responses

Write a response