Phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông sản

Phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông sản

Với sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), TP Cần Thơ đã và đang triển khai hiệu quả nhiều chương trình, kế hoạch và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các loại nông sản gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ðồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng các loại nông lâm thủy sản (NLTS) được giao thương giữa các địa phương. Ðến nay, Cần Thơ đã ký kết hợp tác về giao thương, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng NLTS với nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông sản
Đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông sản

Nhiều kết quả tích cực đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, bên cạnh vệc tập trung thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ được các cấp thẩm quyền thành phố giao về đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng NLTS.

Trong đó, tiêu biểu là Chương trình phối hợp số 05/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 25-7-2022 của Bộ NN&PTNT và UBND TP Cần Thơ về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng NLTS giao thương giữa TP Cần Thơ và các tỉnh, thành giai đoạn 2022-2025. Ðề án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng NLTS giai đoạn 2021-2030; kế hoạch đề án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ…

Với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự vào cuộc tích của ngành Nông nghiệp thành phố cùng các sở, ngành và địa phương trên địa bàn, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với nâng cao chất lượng các loại NLTS được đẩy mạnh thực hiện và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện Cần Thơ đã có nhiều diện tích sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đạt theo VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nông dân cũng đã liên kết với nhau và với các doanh nghiệp để hình thành nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an  toàn.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố đã có 991ha sản xuất lúa theo VietGAP, 20ha rau màu và 448ha trồng cây ăn trái theo VietGAP, hơn 220ha nuôi thủy đạt đạt theo VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn. Có 104 chuỗi cung ứng thực phẩm NLTS an toàn, với 272 sản phẩm được xác nhận trong các chuỗi, trong đó có 18 chuỗi có giao thương với các địa phương khác và 4 chuỗi đạt chuẩn quốc tế phân phối toàn quốc và xuất khẩu”.

Ðến cuối năm 2022, TP Cần Thơ đã ký kết hợp tác về giao thương, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng NLTS với 15 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 3 thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng và các tỉnh Hà Nam, Lâm Ðồng, cùng 10 tỉnh ở ÐBSCL. Có 53 chuỗi sản phẩm NLTS từ các tỉnh, thành phố có ký kết phối hợp đã có sản phẩm giao thương trên địa bàn TP Cần Thơ.

Mới đây, TP Cần Thơ tiếp tục ký kết phối hợp thêm với 2 tỉnh Bến Tre và Thừa Thiên Huế, nâng tổng số lên 17 tỉnh, thành phố đã ký với Cần Thơ. Tại ÐBSCL chỉ còn 1 tỉnh chưa ký kết phối hợp là Cà Mau, TP Cần Thơ đang tiếp tục kết nối để có thể sớm ký kết trong thời gian tới.

Tăng cường phối hợp

Nhằm đánh giá lại các kết quả đạt được và đề ra các giải pháp để thúc đẩy công tác phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng NLTS, UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng NLTS giao thương giữa TP Cần Thơ và các tỉnh, thành phố năm 2023.

Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng, sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 05/CTPH-BNNPTNT-UBND, được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT và sự quan tâm, phối hợp của các địa phương, việc kiểm soát an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng đối với các loại NLTS giao thương giữa TP Cần Thơ với nhiều địa phương trong nước được quan tâm tăng cường.

Liên kết, hợp tác trong sản xuất, giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương cũng được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho nhiều nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tại ÐBSCL trong tiêu thụ nông sản, nhất là tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ðặc biệt, một số tỉnh, thành phố có khoảng cách địa lý khá xa với Cần Thơ nên việc vận chuyển, tiêu thụ nhiều loại nông sản còn gặp khó khăn, nhất là khi khâu chế biến và bảo quản các loại nông sản tươi sống còn hạn chế.

Sản xuất nhiều loại nông sản tại các địa phương còn nhỏ lẻ, khó hình thành các chuỗi liên kết. Các địa phương đã quan tâm ban hành kế hoạch triển khai chương trình phối hợp nhưng không có kinh phí riêng mà chủ yếu là lồng ghép từ các chương trình, kế hoạch khác, dẫn đến khó đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn kiến nghị: “Tới đây, Bộ NN&PTNT cần xem xét, chọn một số chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực để có các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí từ Bộ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong công tác phối hợp nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Về phía các địa phương, cần quan tâm phối hợp, xây dựng các kênh thông tin trao đổi, phản hồi để nắm bắt kịp thời nhu cầu thu mua và cung cấp sản phẩm NLTS giữa các địa phương. Tăng cường công tác trao đổi thông tin, cử cán bộ đầu mối, thống nhất phương thức và thời gian báo cáo định kỳ để kịp thời có kế hoạch hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu giao thương hàng hóa NLTS…”.

Nhiều địa phương cũng kiến nghị, tới đây cần quan tâm nhiều hơn trong việc tăng cường trao đổi thông tin, kết nối cung cầu và siết chặt quản lý an toàn thực phẩm đối với nông sản giao thương giữa các địa phương, nhất là nông sản bán tại các chợ.

Theo ông Phạm Thành Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng NLTS tỉnh An Giang, thời gian qua việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm các sản phẩm NLTS bán tại các chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn, do vậy rất cần sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành trong từng địa phương và giữa các địa phương với nhau.

Việc tăng cường phối hợp giữa các tỉnh và thành phố không chỉ giúp kiểm soát tốt được “luồng đi” của sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ mà còn tiết kiệm các chi phí, nguồn lực trong thực hiện công tác quản lý.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Phó Trưởng Phòng Quản lý chất lượng thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ nay đến 2024 và 2025, TP Hồ Chí Minh quan tâm có kế hoạch phối hợp các tỉnh trong thiết lập hệ thống quản lý các cơ sở, các sản phẩm đạt các chứng nhận khác giống như chuỗi thực phẩm an toàn.

Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vào các chợ đầu mối, cơ sở du lịch. Lập bản đồ số hóa về thực phẩm an toàn và nhận diện truy xuất. Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương của TP Hồ Chí Minh về “chuỗi thực phẩm an toàn”…

Hiện nay: ATVSTP.ORG.VN hỗ trợ mọi thủ tục giấy tờ nhanh và đầy đủ nhất tại khu vực Tp.Hồ Chí Minh. Các khu vực khác vui lòng gọi Hotline: 0909.730.849 để chúng tôi tư vấn đầy đủ tốt nhất cho bạn theo từng khu vực. Xin cảm ơn. Địa chỉ: 47/111 Nguyễn Hữu Tiến, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0975 730 849

Website: https://atvstp.org.vn

Nguồn: https://baocantho.com.vn/phoi-hop-dam-bao-an-toan-thuc-pham-va-nang-cao-chat-luong-nong-san-a166687.html

Ủng hộ bài viết chúng tôi

Xếp hạng trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Chưa có ai đánh giá

61

No Responses

Write a response