Đánh giá chi tiết Redmi Pro: kẻ lạc lõng của Xiaomi?

Đánh giá chi tiết Redmi Pro: kẻ lạc lõng của Xiaomi?

Từ trước đến nay, Xiaomi luôn tỏ ra họ là một kẻ vô cùng nghiêm ngặt cho từng phân khúc điện thoại của mình. Dòng Mi là dòng flagship chủ lực, bên dưới chính là Redmi và dòng Note sẽ được ưu ái tăng thêm nửa inch kích thước màn hình. Điều này ngẫu nhiên khiến Xiaomi Redmi Pro là một kẻ nổi loạn khi mang trong mình vóc dáng lai giữa cả Redmi lẫn Note nhưng sức mạnh bên trong lại là một con chip cao cấp tương tự như trên flagship. Vậy tại sao lại gọi nó là Pro? Chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu.
Ưu điểm
-Cấu hình mạnh trong tầm giá
-Hai camera nhiều hiệu ứng nghịch ngợm
-Mức giá tốt
-Thiết kế nguyên khối liền mạnh, hoàn thiện tốt
-Thời lượng pin ấn tượng
Nhược điểm
-Màn hình ám màu rất nặng
-Chất lượn ảnh chụp trung bình
-Không có hàng chính hãng tại Việt Nam
-GPU đồ họa hơi yếu so với con chip cao cấp

Điểm dễ nhận ra nhất của Redmi Pro chính là cặp camera ở phía sau. Bộ đôi camera này không phải có một ống kính góc rộng như LG G5, cũng chẳng phải một máy ảnh B&W; như Huawei P9. Mà ống kính thứ hai cung cấp thêm nhiều chi tiết và hiệu ứng cho bức ảnh hơn. Ngoài ra, chiếc smartphone này cũng là kẻ tiên phong của Xiaomi sử dụng tấm nền AMOLED nhưng không phải của Samsung mà từ một hãng Trung Quốc khác có tên EverDisplay.

Thông số cấu hình chi tiết:

  • Màn hình LTPS-AMOLED kích thước 5.5 inch, độ phân giải FullHD 1920×1080, mật độ điểm ảnh 403 ppi.
  • Máy có 3 phiên bản vi xử lý:
  1. Standard Edition (Phiên bản sẽ được đánh giá chi tiết trong bài): Vi xử lý Helio X20 gồm 10 xung nhịp 2.1Ghz, GPU Mali T880 MP4 xung nhịp 700MHz, 3GB RAM.
  2. High Edition: Vi xử lý Helio X25 10 nhân xung nhịp 2.5Ghz, GPU Mali T880 MP4 xung nhịp 850MHz, 3GB RAM.
  3. Exclusive Edition: Vi xử lý Helio X25 10 nhân xung nhịp 2.5Ghz, GPU Mali T880 MP4 xung nhịp 850MHz, 4GB RAM.
  • 32/64/128GB bộ nhớ trong tương ứng với 3 phiên bản Standard/High/Exclusive, hỗ trợ thẻ nhớ microSD 256GB.
  • Khay SIM hỗ trợ 2 SIM (Micro SIM và Nanol SIM), 4G LTE,Bluetooth 4.1, USB Type C, cổng hồng ngoại.
  • Camera chính 13MP, khẩu độ f/2.0, đèn flash LED 2 tông màu,  hiệu ứng chiều sâu, quay phim FullHD 1080p, 720p 120fps.
  • Camera phụ 5MP, khẩu độ f/2.0.
  • Kích thước 151.5 x 76.2 x 8.2 mm, nặng 174g.
  • Pin 4050mAh.
  • Hệ điều hành MIUI 8 trên nền Android 6.0.1 Marshmallow.

Thiết kế

Dòng Redmi thường nổi tiếng “giá rẻ cấu hình cao” nên thông thường sẽ bị cắt giảm trong khâu đóng gói đến tối đa. Sự xuất hiện của từ “Pro” cũng chẳng làm thay đổi sự thật này. Trong hộp, chúng ta sẽ vẫn chỉ có 2 phụ kiện đơn giản nhất là dây cáp và sạc. Đặc biệt Xiaomi thậm chí “keo kiệt” đến mức không hề cung cấp cục sạc nhanh cho người dùng, cục sạc kèm máy chỉ có nguồn ra 5V-2A. Rõ ràng dung lượng pin lên đến 4,050mAh mà không có sạc nhanh là một thảm họa, không chỉ vậy, hãng cũng như thường lệ “tiết kiệm” luôn tai nghe.

Xiaomi Redmi Pro có kích thước 151.5 x 76.2 x 8.2 mm với trọng lượng 174g, khá tương đồng Redmi Note 4.

Mặt trước là sự xuất hiện của phím Home kiêm cảm biến vân tay trong khi đối với Redmi Note 4 thì cảm biến này nằm ở chính vị trí camera thứ hai. Có lẽ Xiaomi đã sử dụng khuôn của Pro cho Note 4 hoặc ngược lại? Dù sao thì chúng ta cũng không thể phủ nhận nét giống nhau quá lớn giữa hai người anh em này.

Mặt lưng của Pro có đôi chút khác với Redmi Note 4, không phải là kim loại sần nhẹ. Xiaomi đã mang triết lý thiết kế nhôm phay xước của LG G3 hay Zenfone 2 lên mặt lưng đứa con cưng của mình. Mặt lưng này rất trơn bóng nhưng lại không dễ dàng thấy được dấu vân tay do họa tiết sau lưng che bớt đi phần nào.

Kích thước 5.5 inch đã trở nên phổ thông đối với người dùng, đã qua lâu lắm cái thời 4.5 inch được gọi là khổng lồ. Mặc dù vậy, Xiaomi vẫn không quên tỉ mỉ bo cong mặt lưng nên người dùng có thể dễ dàng cầm nắm thoải mái. Viền hai bên máy được thiết kế theo dạng diamond cut, tăng khả năng cầm nắm chắc chắn cũng như độ sang trọng.

Tuy không có thông tin chi tiết về lớp kính bên ngoài, nhưng các bạn cứ yên tâm rằng nó cứng rắn tương tự như Gorrila Glass 3 hoặc 4, hoàn toàn chịu được các va chạm thông thường như chìa khóa, … Hai cạnh màn hình có đôi chút cong nhẹ, tuy vậy vẫn chưa thể nói đây là cong dạng 2.5D được.

Bên dưới màn hình là phím home cứng. Đây là nút home vật lý có thể bấm được chứ không như các mẫu smartphone từ người đồng hương Meizu. Nó cũng đồng thời là một phím cảm ứng điện dung.

Ở phần trên màn hình, theo thứ tự lần lượt từ trái sang là đèn thông báo trạng thái, loa thoại, cảm biến tiệm cận và camera tự sướng.

Cụm phím tăng giảm âm lượng và phím nguồn bên cạnh phải khá nhỏ cũng như có lực bấm nông, không quá nảy.

Bên cạnh trái là sự hiện hữu quen thuộc của khay SIM. Redmi Pro hỗ trợ 2 SIM, 1 nano SIM và 1 micro SIM hoặc 1 SIM 1 thẻ nhớ.

Mặt lưng của máy khá kỳ lạ khi hai camera không đặt sát cạnh nhau mà nằm tách bạch bởi cụm đèn flash LED ở chính giữa.

Phía cạnh trên máy là jack cắm 3.5mm, mic phụ và cổng hồng ngoại còn ở cạnh đáy là khe cắm micro USB 2.0 cùng hai dải loa. Tất nhiên chỉ có 1 dải là loa thật.

Màn hình

Redmi Pro là smartphone đầu tiên của Xiaomi sử dụng màn hình OLED. Các tấm nền OLED này không phải của Samsung mà tới từ hai nhà cung cấp Trung Quốc khác (EverDisplay và BOE Display). Vì vậy sự sắp xếp điểm ảnh là không giống nhau dưới kính phóng đại, nên chất lượng của tấm nền này cũng khác biệt so với Samsung.

Màn hình của máy kích thước  5.5 inch độ phân giải FullHD với mật độ điểm anh 401ppi. Ngay cả dòng flagship Mi của hãng như Mi 5 hay gần đây là Mi 5s, Mi 5s plus cũng chỉ dừng lại ở độ phân giải FullHD thì không có gì ngạc nhiên khi Redmi Pro chẳng thể nào sở hữu độ phân giải lên đến 2K. Xiaomi vẫn nhất quyết cho rằng độ phân giải FullHD là quá đủ, không cần chạy đua 2K, nhằm tối ưu hóa mức giá.

Độ sáng tối đa màn hình Redmi Pro lên đến 408 nits, đây là một con số không tồi để sử dụng dưới nắng. Độ sáng tối thiểu gần như tương đương tắt hẳn màn hình với 0.6 nits.

Xét về độ tái tạo màu sắc, delta trung bình là 6.1-mức trung bình. Đặc điểm chung của tấm nền AMOLED là luôn luôn nịnh mắt người dùng. Trên nền trắng, tùy vào tấm nền đến từ nhà sản xuất nào mà màn hình này có thể ám xanh hoặc vàng. Dù có chỉnh độ ám màu của màn hình cũng vẫn không cải thiện được nhiều vấn đề này khiến nó trở thành một yếu điểm của Redmi Pro.

Thời lượng pin

Con số 4,050mAh luôn yên tâm cho người dùng trên bất kỳ chiếc smartphone nào, Redmi Pro cũng không ngoại lệ. Chiếc smartphone này sử dụng con chip Helio X20 (phiên bản đang được đánh giá) gồm mười nhân, chia làm 3 mức tiêu thụ điện năng khác nhau.

Redmi Pro có thời gian chờ khoảng 80 giờ, thời gian lướt web hơn 11 giờ. Đây là con số vô cùng ấn tượng kể cả với một chiếc điện thoại sử dụng màn hình AMOLED. Hơn nữa, người dùng cũng có thể tùy chọn chế độ Balance hoặc Performance trong mục Performance để tối ưu thời lượng pin. Mục Power Save sẽ hạn chế một vài tính năng và hiệu suất nhằm đảm bảo chiếc điện thoại của chúng ta sống sót được lâu nhất.

Phần mềm

Redmi Pro chạy trên phiên bản ổn định mới nhất của MIUI 8 trên nền Android 6.0.1 Marshmallow. Giao diện MIUI 8 không có quá nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm nhưng  vẫn có một vài nâng cấp đáng giá như font chữ mịn hơn, tăng tính hiệu quả chế độ Power Saving, phần mềm chỉnh sửa video và phần mềm ghi chú mới.

Như thường lệ, Xiaomi can thiệp khá sâu vào hệ điều hành gốc khi loại bỏ hầu hết mọi thứ bao gọi tất cả các dịch vụ của Google. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể cài đặt một cách dễ dàng qua phần mềm Google Installer (tham khảo tại ĐÂY) hoặc nhờ chính cửa hàng mua máy hỗ trợ nếu lo ngại “tay nghề” IT của mình.

Màn hình khóa không có gì thay đổi so với MIUI 7. Chúng ta vẫn sẽ có đồng hồ ở góc trái, vuốt lên trên để mở khóa hay vuốt sang phải để truy cập ứng dụng camera.

Cảm biến vân tay không nằm ở mặt lưng như nhiều mẫu Redmi khác mà đặt bên dưới phím home. Đây là cảm biến vân tay “hai chạm”, chúng ta phải bấm nút thì máy mới quét vân tay được, tương tự như các chiếc smartphone Samsung.

Tại màn hình chính, như thường lệ là sự thiếu hụt của icon menu nhưng người dùng chẳng cần lo lắng bởi giao diện của Xiaomi rất thông minh và dễ sử dụng. Chúng ta sẽ có thanh ứng dụng mặc định bên dưới chứa tối đa được năm ứng dụng, các ứng dụng còn lại sẽ được bày là liệt tại màn hình chính. Chỉ cần giữ tay và kéo vào biểu tượng thùng rác trên cùng, chọn đồng ý ở cửa sổ hỏi xóa là đã có thể gỡ được ứng dụng mà không cần quan tâm là đang xóa shortcut hay phần mềm đối với những máy sử dụng giao diện có menu ứng dụng.

Sau khi giữ tay trên màn hình chính, chúng ta sẽ có một vài sự tùy trình khác nhau như hình nền, widget, hay di chuyển app một cách nhanh gọn. Khi mới sử dụng giao diện không có menu ứng dụng như trên các máy Samsung, việc di chuyển app bên ngoài màn hình là cực kỳ mệt mỏi nếu thiếu đi công cụ di chuyển app. Chỉ cần chọn di chuyển app, rồi bấm tất cả các app bạn muốn chuyển, chúng sẽ sếp hàng xuống dưới thanh bên dưới. Sau đó chúng ta chỉ cần kéo đến trang hay folder cần để, rồi chọn app muốn di chuyển vào thôi.

Hơn nữa, Xiaomi cũng cung cấp khả năng tùy biến theme hay hình nền rất mạnh. Chỉ cần truy cập Play Store của máy hay đơn giản chỉ cần chọn Download trên mạng khi chọn theme là các bạn có thể dễ dàng thay đổi hình ảnh chiếc smartphone của mình theo ý thích rồi.

Hiệu năng

Redmi Pro có 3 phiên bản cấu hình khác nhau, trong đó phiên bản được đánh giá trong bài viết này là Standard Edition. Cụ thể, máy sở hữu con chip Helio X20 gồm 2 nhân Cortex-A72 xung nhịp 2.1GHz, 4 nhân Cortex-A53 xung nhịp 2.0GHz và 4 nhân Cortex-A53 xung nhịp 1.4GHz cho các tác vụ tiêu tốn ít năng lượng. Mặc dù vậy, nhân đồ họa Mali-T880MP lại không thực sự tương xứng khi có hiệu năng khá thấp đối với các GPU dành cho flagship trong năm nay.

Hai phiên bản còn lại là High và Exclusive chỉ khác ở xung nhịp tại nhân cao nhất. Vi xử lý sở hữu đến 10 nhân quả là đã vượt qua 8 nhân trên con chip Exynos của Samsung, nhưng chất lượng đến đâu thì một loạt điểm chấm hiệu năng dưới đây sẽ đánh giá rõ ràng nhất.

Qua bài test Antutu, chúng ta thật sự phải cân nhắc chất lượng chip cao cấp flagship của Mediatek khi nó thậm chí còn thua kém Samsung Galaxy Note 5 từ năm ngoái.

Sang đến các bài test đồ họa GFX 3.0 Manhattan, Redmi Pro tiếp tục tỏ ra thua kém các flagship năm ngoài.

Bạn đọc có thể không đồng tình khi so sánh một chiếc Redmi-mẫu smartphone tầm trung của Xiaomi với các flagship năm ngoái nhưng đây rõ ràng là Xiaomi đã tự đặt mình vào hoàn cảnh này khi sử dụng con chip mạnh nhất từ Mediatek, nếu hãng sử dụng con chip tầm trung thôi thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng mức giá của Redmi Pro hiện cực kỳ tốt với cấu hình và hiệu năng nó mang lại. Có thể không là gì khi đối đầu các đối thủ thuộc hàng top nhưng với mức giá chỉ nằm ở phân khúc tầm trung, Redmi Pro lại là hung thần trước một loạt: HTC One A9, Galaxy J7 2016,…

Camera

Đây là điểm nhấn của Redmi Pro khi nó là mẫu smartphone đầu tiên của hãng sử dụng cụm camera kép trước khi xuất hiện Mi 5s plus. Máy ảnh chính có độ phân giải 13MP (cảm biến Sony) với f/2.0, lấy nét theo pha. Camera thứ hai có độ phân giải 5MP có trách nhiệm hỗ trợ camera chính đễ sản xuất các hiệu ứng bokeh ấn tượng như DSLR. Đấy là lý thuyết, còn thực tế ra sao thì các bạn hãy tự đánh giá bên dưới.

Giao diện chụp ảnh của Redmi Pro không quá khác biệt so với các người tiền nhiệm. Chúng ta có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chụp ảnh và quay video. Khá đáng tiếc rằng chế độ Manual chỉ cho phép chúng ta điều chỉnh ISO và cân bằng trắng. Rõ ràng với việc đầu tư cụm camera kép, Xiaomi đã thiếu đi sự quan tâm cần thiết cho phần mềm chụp ảnh.

Một số hình ảnh tham khảo của Redmi Pro.

Dẫu sao, hãng cũng gỡ gạc phần nào khi chúng ta nghịch ngợm camera thứ hai. Chúng ta có thể điều chỉnh độ sâu trường ảnh bằng cách chọn lựa khẩu độ từ f/0.95 đến f/5.6 trong mục Gallery sau khi chụp xong.

f/0.95

f/5.6

Chất lượng bokeh của ảnh khá ổn, tuy nhiên nếu zoom kỹ vào chủ thể sẽ nhận thấy sự chuyển tiếp của vùng trọng tâm không thực sự được lấy nét chuẩn.

Máy có chút khử nhiễu hơi quá đà khiến chi tiết bệt, màu sắc tương đối chính xác, chỉ hơi ám vàng nhẹ.

Máy ảnh tự sướng có độ phân giải 5MP, khẩu độ f/2.0, hỗ trợ quay phim FullHD 1080p. Ảnh chụp cho màu sắc và tương phản tốt, chi tiết đầy đủ và màu da người khá chân thật tuy nhiên không được tươi tắn bắt mắt.

Redmi Pro có thể quay phim với chất lượng FullHD 1080p 30fps nhưng đáng tiếc là chế độ time lapse và slow motion chỉ hoạt động ở độ phân giải HD 720p.

Chất lượng của Video các bạn có thể tham khảo tại ĐÂY, ngoài ra chúng ta cũng có thể điều chỉnh độ sâu trường ảnh để đạt hiệu ứng bokeh ở mức độ nhất định. Để biết cách thay đổi độ sâu trường ảnh khi quay, các bạn hãy tham khảo tại ĐÂY.

Tổng kết

Có vẻ như con sốt camera kép bắt đầu lan tỏa với Xiaomi. Trước rất nhiều “tiền bối” đi trước như HTC One M8, LG G5, … Xiaomi đã thận trọng hơn và chỉ đưa ra tính năng này như một sự thêm thắt bổ sung. Điểm cốt lõi nhất của Redmi Pro vẫn nằm ở mức giá rất tốt so với cấu hình (Helio X20, 3GB RAM). Dẫu sao, cụm camera này vẫn giúp người đọc thỏa sức sáng tạo hơn với các hiệu ứng bokeh, quay phim chụp ảnh tạo chiều sâu mà không cần phải chỉnh sửa lằng nhằng như với các chiếc điện thoại khác.

Chiếc máy này chỉ có điểm trừ khá đáng tiếc là chất lượng màn hình. Không cung cấp bởi nhà sản xuất lớn như Samsung, màn hình OLED của máy chỉ có chất lượng bình thường, ám màu và không thực sự trong trẻo. Hơn nữa Redmi Pro chỉ được bán tại Trung Quốc, nên chúng ta chỉ có thể mua được qua con đường xách tay, đây là một nỗi lo ngại lớn với những bạn vốn quen và tin dùng hàng chính hãng. Khi máy có trục trặc sẽ không được hỗ trợ thoải mái như các hãng có trụ sở đặt tại Việt Nam.

 

Nguồn Tin: http://www.gsmarena.com/xiaomi_redmi_pro-review-1496.php

Ủng hộ bài viết chúng tôi

Xếp hạng trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Chưa có ai đánh giá

60

No Responses

Write a response