Đánh giá chi tiết Vivo V3 Max: Smartphone tầm trung chiến lược của Vivo với thị trường Việt Nam

Đánh giá chi tiết Vivo V3 Max: Smartphone tầm trung chiến lược của Vivo với thị trường Việt Nam

Nếu các bạn không biết thì Vivo vốn là một nhà sản xuất phần cứng “anh em” với Oppo, hiện rất thành công ở thị trường Trung Quốc và đang dần vươn ra thế giới. Trong năm 2015, dù không được nhiều người dùng Việt Nam biết đến nhưng series X của Vivo đã đạt được thành công khá đáng kể thậm chí hãng còn phá kỷ lục smartphone mỏng nhất thế giới với chiếc X5 Max. Và mới năm nay, sau khi xuất hiện đầy hoành tráng trong Captain America 3 Civil War, mẫu smartphone tầm trung mới của Vivo, V3 Max đã và đang thu hút được rất nhiều sự chú ý từ người dùng. Đặc biệt khi giờ đây, Vivo đã chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam, người dùng chúng ta đã có thêm lựa chọn khi muốn chọn mua một smartphone giá tầm trung nhưng có cấu hình cũng như thiết kế đột phá. Vậy Vivo V3 Max có những điểm gì thu hút và đáng để chúng ta lựa chọn?
Ưu điểm
– Thiết kế sang trọng, cứng cáp, hoàn thiện tốt.
– Màn hình sắc nét, hiển thị xuất sắc.
– Hiệu năng mạnh mẽ và ổn định.
– Thời lượng pin ấn tượng.
– Loa ngoài lớn.
– Trải nghiệm âm thanh cao cấp với bộ giải mã âm thanh Hi-Fi.
Nhược điểm
– Thiết kế không nhiều đột phá.
– Chưa sở hữu phiên bản Android 6.0 mới nhất.
– Camera quay video chưa tốt, thiếu ổn định hình ảnh OIS.
– Chỉ có một lựa chọn màu sắc.

Thông số cấu hình chi tiết của Vivo V3 Max:

  • Màn hình: 5.5 inch FullHD IPS, 401ppi.
  • Vi xử lý: Qualcomm Snapdragon 652, 8 nhân xử lý với 4 nhân Cortex A72 1.8Ghz, 4 nhân Cortex A53 1.4Ghz.
  • GPU: Adreno 510.
  • RAM: 4GB.
  • Camera sau: 13MP, f/2.0, flash LED, lấy nét theo pha, hỗ trợ quay video slowmotion.
  • Camera trước: 8MP, f/2.4.
  • Bộ nhớ trong: 32GB.
  • Hai SIM hoặc 1 SIM, 1 thẻ nhớ MicroSD.
  • Hệ điều hành: FunTouchOS 2.5 trên nền Android Lollipop 5.1.
  • Hỗ trợ Cat. 4 LTE, Wi-Fi hai dải tần, Bluetooth 4.1, GPS.
  • Pin: 3000mAh.
  • Cảm biến vân tay.
  • Đi kèm công nghệ âm thanh Hi-Fi 32bit/192kHz DAC.

THIẾT KẾ

Đối với các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc nói chung và Vivo nói riêng, thiết kế từ các sản phẩm iPhone của Apple luôn có tầm ảnh hưởng rất mạnh mẽ khi mặc dù các hãng lớn như Xiaomi, Huawei hay Oppo luôn lên tiếng phủ nhận điều này thì những sản phẩm gần đây như Oppo F1 Plus lại đang chứng minh điều ngược lại. Vivo tất nhiên không phải là ngoại lệ khi thiết kế trên các sản phẩm của hãng từ thế hệ X6 năm ngoái đến V3 Max năm nay đều mang dáng dấp của iPhone 6. Nói cách khác, V3 Max có thể coi là một bản phóng to của Vivo X6 với một số thay đổi nhỏ.

V3 Max được hoàn thiện kim loại nguyên khối, viền nhôm chắc chắn đi kèm với mặt kính được vát cong mềm mại 2.5D ở mặt trước. Tất cả đem đến cho người dùng một cảm giác thoải mái, thân thiện khi lần đầu tiếp xúc với máy. Mặc dù phải nhấn mạnh rằng thiết kế của sảnphẩm này không có gì quá mới lạ hay nổi trội so với các mẫu smartphone hiện có trên thị trường nhưng về mặt hoàn thiện, V3 Max chắc chắn sẽ làm hài lòng người dùng. Tuy vậy, khá lạ khi nhà sản xuất Vivo lại không cho chúng ta nhiều lựa chọn về màu sắc ngoài màu vàng gold hiện đang rất hot trên thị trường. Xét tổng thể, màu gold này là khá đẹp và sang trọng nhưng sẽ khó có thể đáp ứng được phần đông thị hiếu của khách hàng. Cảm nhận trên tay mà V3 Max đem lại là khá trơn trượt một phần do hoàn thiện nguyên khối kim loại của máy. So với sản phẩm hai mặt kính như Galaxy S6 Edge, V3 Max vẫn cho trải nghiệm cầm nắm là tốt hơn nhưng người dùng sẽ phải rất cẩn thận khi thao tác với model này.

Cảm biến vân tay được đăt ở mặt lưng giống như phần đa các smartphone Trung Quốc đang có mặt trên thị trường hiện nay. Khi sử dụng máy, ngón trỏ của chúng ta sẽ dễ dàng chạm tới cảm biến vân tay một cách thoải mái. Thêm vào đó, cảm biến này có độ nhận diện cực kỳ nhạy và nhanh, thậm chí người dùng chỉ mất chưa đến một giây là máy đã quét vân tay xong và sẵn sàng để sử dụng. Điểm trừ của việc đặt cảm biến vân tay ở mặt lưng là đối với những ai có ngón tay trỏ ngắn hay lần đầu tiếp xúc với cách bố trí phím ở mặt lưng thì trải nghiệm sử dụng sẽ không mấy dễ chịu khi mất thời gian để làm quen.

Hai cạnh của máy có thể coi là cách tiếp cận riêng của Vivo với người dùng khi hãng đã hoàn thiện khung máy với một đường cắt khá sắc và góc cạnh, hoàn toàn khác với cách mà Apple vát cong các góc một cách mềm mại như trên iPhone 6. Mặc dù về mặt thẩm mỹ có thể không tốt như trên iPhone 6 nhưng sẽ giúp gia tăng trải nghiệm cầm nắm cho người dùng, giúp máy trở nên chắc chắn hơn. Nút nguồn và cụm phím tăng giảm âm lượng được đặt bên cạnh phải của máy, trong khi cạnh trái là vị trí của khay sim và thẻ microSD. Một điểm cộng là các phím vật lý trên V3 Max cho cảm giác bấm là rất tốt, hành trình phím sâu, thao tác thoải mái.

Cạnh trên là nơi là nơi đặt giắc cắm 3.5mm được bao quanh bởi một đường cắt chứa anten thu phát sóng. Cạnh dưới là loa ngoài có âm lượng rất lớn thiết kế theo dạng 3 khối rất bắt mắt, kế bên là cổng microUSB và mic đàm thoại.

Mặt trước được hoàn thiện khá giống với các sản phẩm Vivo khác. Ngay dưới màn hình, chúng ta có ba phím điều hướng cảm ứng. Phía cạnh trên là nơi đặt camera trước 8MP, loa thoại và cảm biến cùng logo Vivo được đặt gọn gàng ở bên trái.

Tổng kết lại, Vivo V3 Max gần như duy trì toàn bộ triết lý thiết kế của Vivo X6 cũng như các sản phẩm khác của hãng. Mặc dù điều này không có gì đáng chê trách khi độ hoàn thiện của sản phẩm là rất cao nhưng với thiết kế không có gì đột phá, Vivo có thể làm một bộ phận người dùng nhàm chán. Tuy vậy, V3 Max nhìn chung là rất cao cấp và đem lại cảm giác khá sang trọng khi cầm trên tay.

MÀN HÌNH

Vivo V3 Max được trang bị một màn hình 5.5 inch với độ phân giải FullHD cùng tấm nền IPS chất lượng với mật độ điểm ảnh lên đến 401ppi. Không có gì bất ngờ khi máy cho chúng ta một khả năng hiển thị là rất tốt với độ sắc nét cao, màu sắc trung thực.

Độ sáng của V3 Max cũng rất tốt, với 600nit, đây có thể coi là một trong những sản phẩm có độ sáng cao nhất trên thị trường hiện nay, hoàn toàn có thể so sánh với các mẫu flagship như iPhone 6S hay Xiaomi Mi 5. Do đó, khả năng hiển thị ngoài trời của máy là không có gì phải phàn nàn. Tuy vậy, do đặc trưng của tấm nền IPS, màu đen không được hiển thị sâu cùng độ tương phản chưa cao nên sẽ gây nhức mỏi mắt khi chúng ta sử dụng vào ban đêm cho các tác vụ đọc tin tức, lướt web hay xem video. Bù lại, với độ sáng thấp nhất đạt ngưỡng 7nit, máy vẫn hiển thị tốt khi sử dụng trong những môi trường thiếu sáng mà không gây khó chịu.

Tựa chung lại, màn hình có thể coi là một điểm cộng của V3 Max khi hoàn toàn đáp ứng tốt mọi nhu cầu về mặt hình ảnh của người dùng. Với kích thước lên đến 5.5 inch, sản phẩm này cũng rất phù hợp cho các tác vụ lướt web, chơi game hay xem phim khi không gian trải nghiệm của người dùng là rất lớn. Với công nghệ panel màn hình ngày một phát triển như ngày nay thì hầu như chúng ta không còn phải quá lo lắng về khả năng hiển thị của các mẫu smartphone nữa.

THỜI LƯỢNG PIN

Với viên pin dung lượng 3000mAh, Vivo đã tối ưu hoá rất tốt khi vẫn giữ được sự mỏng nhẹ cho V3 Max. Theo thử nghiệm của GSMArena, V3 Max có thể cho chúng ta 29 giờ đàm thoại liên tục, rất ấn tượng. Ngoài ra, máy có thể lướt web trong 10 tiếng rưỡi, đối với tác vụ xem video, con số 9 tiếng 48 phút chắc chắn có thể làm người dùng hài lòng. Sử dụng hỗn hợp các tác vụ thông thường, máy hoàn toàn có thể trụ được hơn một ngày. Xét trên mặt bằng chung các model có thiết kể nguyên khối mỏng nhẹ khác như iPhone 6S, Vivo V3 Max rõ ràng là vượt trội hơn khá nhiều về thời lượng pin.

PHẦN MỀM

Vivo V3 Max được chạy sẵn trên nền Android 5.1 Lollipop với giao diện Funtouch OS do chính Vivo tự tuỳ biến. Cũng giống với các nhà sản xuất phần cứng khác đến từ Trung Quốc, Funtouch OS vẫn mang đặc trưng khá giống với iOS của Apple với giao diện icon được bày toàn bộ ra màn hình Homecscreen. Tuy vậy, V3 Max vẫn có những điểm nhấn riêng về mặt phần mềm đồng thời hãng cũng đem một số tính năng đặc trưng của iOS đến với người dùng Android, vô hình chung tạo nên một trải nghiệm khá thú vị.

Màn hình khoá của V3 Max có thể được tuỳ biến rất sâu đồng thời vẫn giữ những đặc trưng của nền tảng Android Lollipop với các thông báo được hiển thị dưới dạng thẻ tab ở ngay Lockscreen. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tuỳ ý lựa chọn hai shortcut để mở nhanh ứng dụng ở phía dưới của màn hình khoá, được để mặc định là trình gọi điện và camera. Một điểm đáng khen là Vivo cũng không quên trang bị một kho theme riêng cho màn hình khoá, đối với những ai yêu thích sự tuỳ biến và luôn muốn smartphone của mình thật mới lạ thì đây là một tính năng rất đáng lưu ý.

Màn hình chủ của máy thì rất quen thuộc với giao diện học hỏi khá nhiều từ iOS, chia sẻ nhiều điểm chung với MIUI, ColorOS hay FlymeOS từ các nhà sản xuất khác đến từ Trung Quốc. Với giao diện icon được bày hết ra màn hình Homescreen, điểm cộng là người dùng sẽ rất dễ làm quen đồng thời việc mở ứng dụng sẽ không tốn nhiều thao tác như giao diện mặc định của Android truyền thống. Tuy vậy, điểm trừ là khi người dùng cài quá nhiều ứng dụng, màn hình chủ của máy sẽ khá rối rắm và khó nhìn, đồng thời việc các app che hết hình nền cũng làm giảm tính thẩm mỹ trong quá trình sử dụng.

May mắn là Vivo vẫn giữ nguyên tính năng gộp các ứng dụng vào Folder, giúp giảm thiểu sự chật chội cho Homescreen với hiệu ứng blur hình nền quen thuộc như trên iOS. Ngoài ra, sự xuất hiện của thanh dock với tối đa 5 ứng dụng cũng dễ dàng làm chúng ta liên tưởng đến hệ điều hành của “Quả táo cắn dở”. Thêm vào đó, Vivo cũng trang bị cho V3 Max một thanh Control Center giúp người dùng bật tắt nhanh các tuỳ chỉnh như 3G, Wi-Fi, giải phóng đa nhiệm hay truy cập nhanh vào các app. Nhìn chung, nếu các bạn đang sử dụng các sản phẩm đến từ Apple, việc chuyển qua sử dụng Vivo V3 Max gần như sẽ không mất thời gian để làm quen khi giao diện FuntouchOS có thể coi như là iOS phiên bản Android vậy.

 

Ngoài ra, V3 Max cũng được trang bị rất nhiều các tính năng cử chỉ thông minh quen thuộc như vẽ chử để mở ứng dụng, vuốt lên để mở khoá màn hình khi máy đang tắt hoặc vuốt xuống để truy cập nhanh vào Camera mà không cần mở sáng máy. Những tuỳ chỉnh này đều có thể được tuỳ biến trong mục Smart Motion ở phần cài đặt.

Tính năng có thể coi là điểm sáng trên V3 Max là Smart Split, cho phép người dùng chia đôi màn hình và chạy song song hai ứng dụng. Tựa chung lại về phần mềm, mặc dù Vivo đã cố gắng tuỳ biến lại cũng như đưa những tính năng mới lạ đặc trưng của riêng hãng lên V3 Max nhưng vẫn mang nặng hơi hướng của iOS. Về mặt tích cực mà nói, giao diện này sẽ giúp người dùng dễ làm quen hơn khi rất trực quan và thân thiện. Tuy vậy, việc học hỏi quá nhiều từ nền tảng khác sẽ dễ dàng trở thành con dao hai lưỡi khi một bộ phận không nhỏ người dùng đang cho rằng Android đang ngày một “iOS hoá” bởi các nhà sản xuất Trung Quốc.

HIỆU NĂNG

Là một sản phẩm nhắm vào phân khúc người dùng trung cấp, V3 Max được trang bị con chip 8 lõi Snapdragon 652 tầm trung đến từ Qualcomm với 4 nhân xử lý Cortex A72 xung nhịp 1.8Ghz mạnh mẽ đi kèm với 4 nhân Cortex A53 1.4Ghz tiết kiệm điện. Ngoài ra, với GPU Adreno 510 cùng 4GB RAM, V3 Max hứa hẹn một khả năng xử lý là rất tốt đặc biệt khi con chip Snapdragon 650 tuy là một vi xử lý tầm trung nhưng có hiệu năng vô cùng mạnh mẽ, thậm chí còn vượt qua cả Snapdragon 810 trong bài test về tốc độ load game và ứng dụng.

Với phần mềm Geekbench test chuyên sâu về tốc độ của vi xử lý, V3 Max đạt 1374 điểm benchmark đơn nhân và 3004 điểm đa nhân. Điểm đơn nhân của máy không mấy ấn tượng khi so sánh với các đối thủ cùng tầm do ở các tác vụ nhẹ, Snapdragon 650 sẽ ưu tiên sử dụng nhân Cortex A53 tiết kiệm điện. Trong đó, điểm đa nhân đã thể hiện rõ sức mạnh của máy khi so sánh với HTC A9 cùng phân khúc giá khi A9 được trang bị con chip Snapdragon 617.

Với bài test hiệu năng tổng thể với phần mềm Antutu, Vivo V3 Max đạt hơn 70.000 điểm, một con số khá ấn tượng. Đặc biệt là điểm đồ hoạ 3D của máy là gần 19.000 điểm. Các bạn sẽ không cần phải lo lắng về khả năng đáp ứng của máy khi chắc chắn V3 Max hoàn toàn có thể chơi tốt mọi tựa game trên Playstore đồng thời với những tác vụ nhẹ nhàng hàng ngày, máy sẽ cho trải nghiệm rất nhanh và mượt mà.

Tựa chung lại, việc lựa chọn con chip Snapdragon 652 là bước đi chiến lược khá khôn ngoan của Vivo khi vừa đảm bảo một hiệu năng tốt, đáp ứng hoàn hảo mọi yêu cầu của người dùng đồng thời giữ cho giá của máy nằm ở mức hợp lý và đặc biệt là không xảy ra hiện tượng quá nhiệt như một số mẫu máy nguyên khối kim loại khác.

TRẢI NGHIỆM ÂM THANH

Âm thanh trên V3 Max là một điểm cộng rất lớn đồng thời cũng là chiến lược marketing của hãng khi sản phẩm này được trang bị một bộ giải mã âm thanh Hi-Fi chất lượng cao. Theo đó, nếu người dùng sử dụng một tai nghe cao cấp đi kèm với nguồn phát đạt chuẩn, V3 Max sẽ đem đến trải nghiệm âm thanh Hi Res Audio, vô cùng tuyệt vời. Nếu bạn kết nối V3 Max ra một thiết bị amplifier, trải nghiệm âm thanh thậm chí còn được nâng lên đáng kể khi máy cho ra một âm lượng lớn với độ trong xuất sắc, hoàn toàn có thể làm hài lòng những khách hàng có nhu cầu khắt khe về thưởng thức âm nhạc.

CAMERA

Vivo V3 Max được trang bị một camera với độ phân giải 13MP, khẩu độ f/2.0 và thiếu đi tính năng ổn định hình ảnh quang học OIS một phần có thể do phân khúc tầm trung của máy. Bù lại, máy hỗ trợ một đèn flash kép hai tone màu đi cùng với camera trước lên đến 8MP.

Giao diện của ứng dụng camera là khá đơn giản và không có quá nhiều tuỳ chỉnh được hiển thị sẵn. Người dùng vẫn có lựa chọn chế độ Pro với các tuỳ chỉnh chuyên nghiệp như tốc độ màn trập, ISO, cân bằng trắng và cả lấy nét thủ công. Camera cũng có sẵn những bộ lọc màu tuỳ chỉnh cho người dùng có thể xem trước và áp dụng cho cả ảnh chụp và video.

Ngoài ra, sự xuất hiện của các chế độ chụp quen thuộc như HDR, Face Beauty, Panorama cũng sẽ đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người dùng ở những hoàn cảnh chụp khác nhau. Đáng chú ý là Vivo cũng trang bị cho V3 Max chế độ chụp ảnh thiếu sáng và ảnh thể thao.

Ảnh được chụp từ camera của máy nhìn chung là khá tốt. Độ sắc nét cao trên toàn bộ khung hình, màu sắc được tái hiện rất chính xác. Dải dynamic range dễ dàng làm người dùng hài lòng nhưng nếu để ý kĩ thì lại chưa đủ rộng.

Ảnh chụp với chế độ thường.

Ảnh chụp với tính năng HDR.

Chế độ HDR giúp cải thiện khá nhiều chi tiết ở vùng tối, mặc dù không quá xuất sắc nhưng vẫn đủ để tạo nên sự khác biệt so với ảnh chụp ở chế độ thông thường. Dưới đây là một số bức hình được chụp từ camera của V3 Max:

Ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng khử noise khá, tuy vậy chi tiết lên chưa ngon, khá bệt.

Với camera trước 8MP, chi tiết của những bức ảnh selfie được tái hiện rất tốt. Tuy vậy, ảnh ra trong nhiều trường hợp xuất hiện noise khá rõ ràng dù cả ở điều kiện đủ sáng nhưng nhìn chung, camera trước của máy đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ của mình. Một số ảnh selfie từ máy:

V3 Max cho phép người dùng quay video 1080p/30fps đi kèm với tuỳ chọn quay slow-motion nhưng chất lượng video bị giảm xuống 720p đồng thời ánh sáng cân bằng không được tốt như chế độ quay phim thông thường. Thêm vào đó, việc thiếu đi tính năng ổn định hình ảnh OIS nên tình trạng rung lắc là rất khó tránh khỏi, camera của máy cũng focus khá khó khăn trong quá trình quay video. Nhìn chung, khả năng quay video của máy chỉ dừng lại ở mức khá, chấp nhận được.

TỔNG KẾT

Vivo V3 Max có thể coi là một sản phẩm khá cân bằng khi đem đến cho người dùng một trải nghiệm vừa đủ tốt về mọi mặt dưới một mức giá tầm trung khá hợp lý. Với vẻ ngoài cứng cáp, thiết kế sang trọng, khởi đầu của Vivo tại thị trường Việt Nam có vẻ như là một bước đi khá khôn ngoan và an toàn. Đối với những người dùng đòi hỏi một thiết bị nhanh, mạnh, hoàn thiện cao cấp như các thiết bị iPhone nhưng chỉ với một mức giá phải chăng, Vivo V3 Max có lẽ chính là câu trả lời hợp lý nhất.

Ủng hộ bài viết chúng tôi

Xếp hạng trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Chưa có ai đánh giá

64

No Responses

Write a response